Feeds:
Posts
Comments

Archive for June, 2009

p62 Tranh: Nghiem Xuan Quang

Con ngõ vào nhà tôi loanh quanh, khúc mắc như bát quái trận đồ. Đã vậy, hai bên đường vào bát quái trận còn được trang bị nào thúng, nào niêu, nào gồng gánh và cả trăm thứ tiếng ồn ào hỗn độn của cái chợ con con đầu ngõ. Bắt đầu cho mỗi buổi sáng, khi con gà trống trong cái chuồng ở góc sân còn đang ngái ngủ thì cái lỗ tai tôi đã được đánh thức bằng những tiếng khua thùng, khua niêu loảng xoảng của bà hàng bún trước sân. Bà goá chồng từ lâu. Sống ở thành phố bao năm mà bà nhất định không chịu đô thị hoá cái quần vải đen và chiếc khăn vuông trùm hụp trên đầu bất kể mùa Đông hay mùa Hè. Bà hay chuyện lắm, trong cái xóm nhỏ này không chuyện gì mà bà không biết. Bà vừa bán, vừa tiếp thị khách hàng bằng những câu chuyện “trong nhà chạy ra ngoài phố” nóng hôi hổi như tô bún nghi ngút khói vừa chan. Khi khách đã ăn xong tô bún riêu váng mỡ đỏ ưng ức, thong thả gẩy những cọng rau muống dính trong kẽ răng là đời tư của cô giáo trong căn nhà đóng kín cửa cả ngày ở cuối ngõ, hay cặp vợ chồng son vừa mới dọn đến chiều hôm qua đã được phơi bày với đầy đủ chi tiết trên cái đài phát sóng đầy mùi mắm tôm ấy!  Khác hẳn với mẹ. Cô Nở, con gái bà, trông lại khinh khỉnh, cao sang vời vợi. Người cô đẫy đà, lúc nào cũng son phấn đậm đà chỉnh tề như đào hát sắp lên tuồng. Nếu thêm chữ “Thị” vào cái tên của cô là người ta sẽ nghĩ đến ngay một người phụ nữ nổi tiếng trong truyện văn học thời tiền chiến. Có thời người ta đã đưa nhân vật nữ ấy vào cả phim ảnh. Vào cái buổi giao thời “cởi mở” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì những hàng người xếp hàng rồng rắn ở rạp chiếu phim cũng làm xôn xao con ngõ nhà tôi. Chả hiểu thằng bé đánh giầy chuyên bán vé lậu tuồn ra từ cửa sau rạp hát thì thọt thế nào mà cô chịu móc túi mua của nó cái vé chợ đen để đi xem tận mắt người phụ nữ mà nó khen trông xếch-xi giống cô ấy. Coi chưa hết nửa phim, cô đùng đùng ra về, săn cùng các ngõ ngách để tìm cho bằng được thằng bé “xỏ ná ba que”.

Sau ngày đó, cô đổi tên thành Lan, “Nệ Nan”. Một buổi tối không trăng, trời trong ngăn ngắt nhìn rõ cả những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Nệ Nan lúi húi bày đủ bát hương, nhang đèn, hoa quả, một con gà trống thiến, chân vắt lên cổ, miệng lãng mạn ngậm cành hoa cúc ra sân cúng sao. Trời cuối thu se sắt lạnh, mùi hương hoa sữa thoang thoảng quyện lẫn khói nhang tỏa khắp con ngõ tối. Trong bóng đêm những nén nhang trên tay cô cháy đỏ lập lòe. Cô thành khẩn cúng vái tứ phương tám hướng, cô cúng đủ các loại sao. Từ sao quả tạ cho đến sao chổi. Cô cúng rất lâu, gửi gấm nỗi lòng đến những ngôi sao xa tít. Có lẽ trời cũng thấu được lòng thành của cô nên ba tháng sau cô dẫn một anh Chí về ở rể xóm tôi. Anh Chí này bên ngoài trông cũng chẳng khác gì anh Chí trong bộ phim có nhân vật nữ trông rất xếch-xi của thằng bé đánh giầy ấy. Được cái anh rất tươi tỉnh, gặp ai bất kể già trẻ lớn bé anh cũng móc túi phát cho cái bu-si-nét-cạc có in hàng chữ đỏ chét. Tài tử Trần X. , nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh nghe oai ra phết! Chiều nào cũng thấy Tài tử đóng bộ láng o, bảo là đi nghiên cứu thực tế cho bộ phim sắp tới. Có hôm trời mưa tầm tã, tôi ghé vội trú mưa dưới mái hiên hàng karaoke, qua ánh đèn chập chờn chớp tắt tôi thấy tài tử Trần X. một tay cô đơn ôm mi-cô hát rất điệu nghệ: “Đời tôi cô đơn… nên yêu ai cũng cô đơn…” mặt mũi nhăn nhăn nhó nhó như người táo bón kinh niên. Còn tay kia đa mang vất vả vòng qua eo ếch “thực tế” mặc áo hai dây, quần xệ rún trông quằn quại như ma nữ đa tình! Về mách mẹ còn bị mắng là điêu nhé! Cô Nệ Nan vừa hớn hở khoe mẹ Tài tử đang đóng một vai quan trọng trong một bộ phim có tầm cỡ quốc tế. Thật vinh dự cho nền nghệ thuật nước nhà. Hai tháng sau khi bộ phim được trình chiếu. Huých vai, giựt chỏ chen lấn bầm cả người để giành được cái vé vào rạp. Chờ mãi mới thấy Tài tử xuất hiện trên màn ảnh, khổ nỗi chàng chưa kịp nhe răng cười cầu tài đã bị thằng Tây mũi lõ nả súng cái đùng nằm thẳng cẳng! Thế mới biết phục vụ cho nghệ thuật chẳng phải đơn giản gì. Tài tử phục vụ cho nghệ thuật, Nệ Nan phục vụ cho Tài tử, bà bún riêu mở hàng mỗi ngày khi gà chưa gáy sáng để phục vụ cho những cái dạ dày vui sống đang trả nốt nợ đời. Rõ là cái vòng lẩn quẩn!

Từ trên ban công nhà tôi nhìn xuống. Bên cạnh bà bún riêu ngào ngạt mùi mắm tôm là chị hàng xôi chè hoa ngâu, hoa cúc. Cô hàng bún chả mỡ cháy, hành phi lừng lựng ngồi đâu lưng với ông hàng phở thơm ngậy nước béo, hành trần. Cái góc sinh hoạt rầm rộ ấy lúc nào cũng ninh ních những người. Người đứng, người ngồi nhai gắp xì xụp bên những chiếc bàn gỗ thấp lè tè, những đôi đũa vung lên hạ xuống chập chờn trong nắng sớm như những cánh hoa Ngọc lan nở bung sau một cơn mưa rào trong đêm.

Tôi nhìn mãi quen mắt phàm nên khi nghe nó lãng mạn ví von như thế mà phát phì cười, mấy cọng bún nuốt dở chạy ngược cả lên đầu. Quay lại nhìn bộ mặt hây hây hồng, đôi môi đỏ mọng vì tô bún ốc bỏ ớt quá tay. Nghĩ thôi, cứ để nó mơ mộng như thế mà hay hơn để còn thi hứng viết vài bài thơ kiếm chút tiền còm nhuận bút rồi rủ nhau đi ăn quà vặt. Và cả thơ, cả nắng, cả trăng thu… cũng sẽ rơi tỏm vào cái nồi bún ốc váng mỡ dưới sân kia. Năm nay mới mười tám vội vàng gì mà suy tư chuyện đời trần trụi cho nó già người.

Hôm ấy nó mặc cái áo màu xanh lá mạ. Nó mê màu xanh và bất cứ cái gì liên quan đến chữ xanh. Đi ngang qua cái mương hôi nồng mùi rác thấy con chuồn chuồn kim cánh biếc bay chập chờn cũng đủ làm cho nó ngẩn người nhìn theo. Xe đò cá hộp hỏng máy nằm bẹp bên đường giữa trưa nắng đổ, ai muốn nhăn nhó mặc kệ, nó vẫn thản nhiên lang thang hai bên bờ hái cỏ gà gắn đầy giỏ. Qua cửa bệnh viện nhi đồng, ngưòi ta nỉ non túng thiếu gạ bán hai hộp sữa bò. Chiêù đến, lớp keo bung ra bùn tràn đầy túi xách nó cười tấm tắc khen người ta tài quá, khéo lừa! Mẹ nó than thở, ngơ ngơ thế này làm sao lo được cho chồng, cho con sau này hở con gái! Bà sắm hương hoa giúi vào tay bảo đi lễ gieo quẻ tình duyên. Trời mùa Xuân se se lạnh, hoa Đào nở rộ bên đường, sắc hồng rực rỡ như đôi má của những cô gái xuân thì. Hai đứa đèo nhau vào đền Thánh Mẫu. Đường ngoại ô trải nhựa xe máy cuốn bụi mù trời. Khăn quấn ngang mặt che bớt lớp bụi trần gian tỏa ra từ những ống bô xe nhả khói đen xì. Đến nơi tóc tai dựng ngược, nhe răng cười với nhau, khen hàng bún ốc đầu tiên ngoài cổng đông khách, chắc ngon! Trong đền khói hương nghi ngút, đông như nêm. Người đứng sau thành kính vái mông người đứng trước. Mẫu ngồi trên tòa cao quá có nhìn thấy được tấm lòng con người nhấp nhô trên từng xấp vàng mã, tiền âm phủ, tiền dương gian… Người ta thành khẩn đốt những tờ giấy lộn xanh, đỏ in hình mặt người đã chết để mong Mẫu gửi lại họ những tờ giấy bạc giá trị thật có đóng dấu Ngân hàng quốc gia. Người ta đặt hoa lá đầy trên tam tòa Thánh Mẫu cầu khấn tình duyên ngang trái, tơ lòng lổn ngổn. Người khấn kẻ đi trở về, kẻ khấn người về hãy đi đi cho khuất mắt. Bàn thờ Mẫu mù mịt khói hương gửi gấm bao nhiêu mơ ước thế gian. Ban phát lộc thánh cho bằng hết nguyện ước của những con người quanh đây thì Mẫu cũng lả cả người, chẳng còn dư phần đến phiên lũ nhãi ranh chúng tôi. Tôi lại có bệnh suyễn không chịu được mùi nhang khói, kéo tay nó ra ngoài cửa cho thoáng. Ông thầy bói mặc áo the đen, hàm răng ám khói thuốc lào, ngồi trên chiếu gieo quẻ nhân duyên. Thả đồng tiền kẽm xoay tít, tiền múa Chúa cười. Thầy sờ đồng tiền, ỡm ờ phán: “Số cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông”. Nó đứng phắt dậy nhặt tờ giấy bạc đặt trong đĩa dúi vào tay thằng bé hát rong, rồi kéo tôi đi thẳng ra cổng.

Về đến thành phố, nắng chiều buông nhạt dần cuối ngõ. Tài tử đã thắng bộ láng o hì hục dắt chiếc xe Dream chở đầy ước mơ cho nền nghệ thuật nước nhà để đi nghiên cứu thực tế. Nệ Nan ngoan ngoãn ở nhà làm vợ hiền phụ mẹ bán bún riêu, tối đến cúng sao chờ ngày chồng lãnh giải Oscar. Hai đứa xà vào hàng bún, húp riêu xì xụp bảo nhau, không đâu ngon hơn ngõ nhà mình! Ông anh họ cạnh nhà, tóc rũ trán rà xe ngang qua hàng để đuôi mắt sướt rượt lên chiếc áo màu xanh lá mạ.

Chiều 23 Tết. Mẹ loay hoay chiên cá chép ngoài sân để cúng ông Táo. Chờ mẹ xoay lưng tôi móc con mắt cá bỏ tọt vào miệng. Vị thơm thơm bùi bùi tan ra trong miệng. Nhằn hết vị ngọt còn cái hột khô cứng tôi phun ra đầu con mèo đang đứng chầu chực, giương mắt nhìn tôi kêu meo meo. Thằng em đi ngang qua lầu bầu: “Dã man! Có mỗi con mắt để nhìn đường đi thì bà xơi mất!”. Trời trở gió, mưa phùn bay lất phất trên cành đào bên thềm. Cánh hoa mong manh nằm chụm bên nhau, nụ non phơn phớt. Hoa lá lấm tấm mưa xuân vương vấn tiếc nuối cho một buổi chiều của những ngày cuối năm. Nó phóng xe tới cửa, chiếc áo xanh ngắt chắn ngay lối vào, trên tay ve vẩy tờ báo Xuân, cười xoè hoan hỉ: “Có nhuận bút bài viết trang Tết rồi nhé. Đi ăn bún chả, tớ khao!”. Mẹ lắc đầu: “Gớm con gái chúng mày ăn quà mỏ khoét như thế thì ai dám lấy!”. Tôi nheo mắt nhìn nó: “Thế mà ông anh bên nhà vừa nhắn với con rằng, nhìn cái miệng ai đó ăn hàng thôi đã thấy yêu rồi!”. Mẹ hoan hỉ: “Ừ, đi nhanh nhanh rồi ra đầu ngõ mua cho mẹ xấp vàng mã chiều nay mẹ đốt cúng ông Công”. Bên nhà, ông anh họ đã ôm cây đàn gẩy phừng phừng vọng qua: “Trái tim ngục tù… anh yêu em, yêu em đến nghìn thu…u…u…” rên rỉ não nề như muốn móc cả trái tim quăng qua cửa nhà tôi. Bố nãy giờ lo tỉa tót uốn nhánh cây mai của ông bạn quý đã cất công khiêng từ Saigon về biếu cũng phải lên tiếng: “ Cái thằng dạo này hát nhạc nghe sến thảm.” Chỉ có Tài tử đang ngồi xỉa răng bên hàng bún của mẹ vợ gật gù phán: “Giọng có tầm cỡ chứ chẳng chơi đâu. Để anh giới thiệu vào lò luyện vài tháng là thành ca sĩ ngay, con gái có mà chết mệt!”

Nhưng ông anh đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi của tôi chẳng chờ đến ngày làm ca sĩ nổi tiếng để cho con gái chết mệt. Đến tối, anh qua nhà ngồi hóa vàng với tôi ở sau bếp khói bay mù mịt, thẩy con cá chép giấy và cái nón ông Công vào đống lửa anh nghiêm trang: “Cô gắng giúp anh nhá, chợ hoa cả năm chỉ có một lần.” Tôi nhờ anh đi lấy gáo nước đổ vào mớ tro giấy vừa đốt mà bụng thắc thỏm, ăn nói với nó làm sao đây chả lẽ: “Này đằng ấy, đi chợ hoa với anh tớ nhá. Cả năm chỉ có một lần!”

Tôi đã nói đúng một câu như vậy với nó vào ngày hôm sau khi hai đứa ngồi cắt rễ kiệu. Nó ngồi duỗi chân nheo mắt: “Ừ, đi thì đi, 28 Tết nhé! Tớ cũng cần mua bó hoa về cắm bàn. Ngày Tết người đông như hội, bảo anh ấy đi xe đạp cho dễ dắt.” Tôi ngớ người ra nhìn nó ngạc nhiên. Cây cổ thụ xanh lè nổi tiếng “khó cưa” của trường tôi sao hôm nay lại dễ đổ thế nhỉ. Nó lừ mắt: “Nhìn gì. Cắt hết mớ kiệu này mới tha cho về.” rồi đi xuống bếp. Nhìn tướng đi ngoe nguẩy của nó tôi nghĩ cũng ra dáng bà cai cho “trái tim ngục tù” của ông anh tôi lắm!

Chiều qua trời trở gió. Mẹ than thở gió nồm làm mẹ đau lưng. Thằng emnịnh nọt: “Mẹ để con đấm lưng cho. Êm hơn máy!” Mẹ hoan hỉ, viết xuống giấy. Mẹ đặt giò chả tiệm Phú Hương rồi nhé. Bánh chưng năm nay đặt của bà hàng bún trước nhà cho tiện. Ăn không bao nhiêu nhưng cũng phải có để cúng cho đẹp. Bố nhớ ghé qua hàng Đào mua thêm hai chậu cúc đặt góc nhà! Tết nhất phải có chậu cúc vàng mới đủ hương vị. À, còn thêm bánh pháo. Thằng em nãy giờ chỉ chờ có thế. Mẹ mua thêm mấy dây pháo Thăng Thiên, pháo xịn nổ dòn phải biết. Mẹ gắt yêu. Rồi cho cậu tha hồ đốt xả đầy nhà cho mẹ quét đấy à! Con gái ngày mai theo mẹ đi chợ nhé! Tôi đang ngồi dán mắt vào chương trình văn nghệ mùa xuân, có những cô gái tóc bỏ đuôi gà, váy xồi xanh đỏ, mặc độc cái áo yếm hở lưng. Mẹ nhìn nhăn mặt, ngày xưa mà mặc thế thì có chết với các cụ. Ừ nhỉ, hôm nay hăm tám rồi, anh đi chợ hoa có dặn anh mua cho mẹ chục huệ chưng bàn thờ không? Vừa nhắc đến thì nó đã lao vào nhà như cơn lốc, mặt mũi hớn hở, hai tay ôm đầy những hoa là hoa. Miệng liếng thoắng: “Con chọn chục huệ đẹp nhất làng Ngọc Hà về cho u đấy nhé. Chen qua bao nhiêu người là người mà không gẫy cành nào.” Thằng em khịt khịt mũi: “Đi xe đạp một mình đến Ngọc Hà cũng bở hơi tai rồi còn đèo bồng thêm nửa tạ gạo ở đằng sau thì chỉ có chết ông anh tôi. Sao bà ác thế!” Cuối cùng thì ông anh tôi cũng dắt xe vào nhà, hai vai xuội lơ, mặt mũi phờ phạc như người vừa chạy ma-ra-tông xong. Thằng em nằm trên phản vắt chân nghêu ngao: “Chí lớn trong thiên hạ… không đầy … không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân.”

Tối 29 Tết. Cô Nệ Nan đem ra sân một cái nồi cao, đặt trên những cục đá to xếp chắc chắn lên nhau làm thành bếp. Cô xếp bánh từng lớp vào nồi đổ đầy nước, nổi lửa. Đêm cuối năm trời lạnh lạnh, hàng xóm mặc áo bông, trùm khăn kéo nhau ra ngồi sưởi ấm bên bếp lửa tí tách vãn chuyện ngày xưa. Đã qua năm mới đâu mà có những chuyện cảm thấy dường như xưa lắm lắm rồi. Gió lao xao trên vòm cây hoa sữa đã tàn mùi hương. Ông anh qua một ngày dưỡng sức sau trận Ngọc Hà, tối nay vừa lấy lại được khí thế ôm đàn ngồi trên ban công nhà thở than não nề: “ Loài cỏ cây man rợ… loài ma quái ngu si… ta yêu em lầm lỡ… Bây giờ đường nào đi…”  Đường tình vạn nẻo. Đường đời muôn ngã. Con đường đến chợ hoa hàng Đào ngắn hơn bao lần đường đến Ngọc Hà sao nó không đi. Nó dùng con đường đầy mùi khói xe, xe cộ đông đúc, người chen người qua bao nhiêu cái ngã tư, vượt bao nhiêu đèn đỏ, leo dốc quanh co để đo đường tình anh tôi. Cũng có một con đường ngập hương hoa sữa trong thành phố mà tôi hay đi qua. Vào một buổi chiều cuối thu có người con trai hái những cánh hoa li ti màu xanh nhạt ấy gắn lên tóc tôi. Tôi nhắm mắt ngất ngây trong mùi hương nồng nàn. Về đến nhà vẫn còn thấy bồng bềnh say mướt Con đường đó gần lắm mà sao bây giờ tôi ngại ngùng không dám đi qua.

Xé tờ lịch trên tường tôi bước ra sân ngước nhìn lên bầu trời, những đá mây giăng trong lòng đêm tĩnh mịch lững lờ trôi. Chỉ còn một ngày nữa tôi sẽ bước qua tuổi mười chín. Có một mùa Xuân mới rất tinh khôi đang đón chờ trước ngõ…

Nguyên Tú My

Read Full Post »

cotich9Trời ngập nắng.  Cái nóng giữa trưa gay gắt như thiêu như đốt.  Ông mặt trời đỏ ké nằm ngay trên đỉnh đầu khó chịu, bứt rứt.  Không một cơn gió, không một đám mây đi qua.  Cứ như tụi nó đang rủ nhau trốn biệt ở một nơi nào đó xa xôi lắm.  Căn nhà bé xíu bên hông ngôi đình cũ được che tạm bợ bằng miếng tôn rách càng nung thêm cái nóng đổ lửa lên đầu của những người sống trong nhà.  Mà nhà có ai đâu nhiều.  Một ông già và thằng nhỏ gọi ổng bằng Ngoại.  Không biết cha mẹ nó là ai.  Chỉ biết có một ngày ông già sửa xe đạp sống đơn độc bên ngôi đình cũ ẵm về chái lều ọp ẹp của mình một đứa bé còn đỏ hỏn trong tay.  Tối đến thằng nhỏ ngoặt nghẹo khóc oe oe từng tiếng đứt quãng.  Nửa đêm bà hàng xôi bắp phải bò dậy xách cái đèn dầu tù mù qua gõ vào tấm vách hỏi thăm.  Từ đó, sáng nào bà cũng đưa cho ông già một lon gui gô đựng đầy nước chắt dẻo quánh từ nồi hầm bắp nếp nấu xôi của bà.  Thằng nhỏ vậy mà dễ nuôi.  Chỉ cần cho mấy muỗng đường vào lon nước bắp cho bú thế sữa mà nó vẫn lớn vùn vụt.  Bà con chòm xóm gọi nó là thằng Lượm, riết rồi thành tên.  Nhỏng qua nhỏng lại thằng nhỏ còn cầm bù lon, mỏ lết chạy lon ton bây giờ nó đã biết phụ Ngoại ngồi sửa xe đạp ngoài đầu xóm rồi đó.

Khu xóm nó ở nghèo lắm.  Những dãy nhà nhỏ xíu sát vách nhau được che tạm bợ bằng những tấm gỗ tạp, những miếng tôn sét, thùng cạc tông.  Thứ gì đem che được là người ta lấy đắp lên hết mấy lỗ hổng nhìn loang lỗ như bộ quần áo của thằng nhỏ mù bán vé số hay đi qua xóm mỗi chiều.  Thằng nhỏ ốm tong hệt cây tăm xỉa răng.  Ngày nào cũng đúng giữa trưa khi thằng Lượm đi học về bưng tô cơm ra ngồi chéo bên hiên nhà thì con chó vàng dắt thằng nhỏ mù đi qua.  Trời ơi, bây lớn mà tướng nó lủ khủ như một ông già.  Bộ quần áo rộng thùng thình đeo trên người gầy sạm.  Chiếc gậy dò đường không bao giờ rời khỏi người nó, đeo đẳng trên tay như một biểu tượng của sự bất hạnh không thể chia lìa.  Nó lầm lì ít nói.  Mấy lần Lượm mon men lại hỏi chuyện làm quen, nó chỉ trả lời nhát gừng có lệ.  Ngày nắng gắt, nó hay dắt con vàng ngồi nghỉ chân dưới bóng mát của giàn bầu trong góc vườn.  Mới ngày nào Ngoại cắm mấy cây cọc làm giàn cho dây bầu leo mà chỉ qua một mùa mưa lá đã trổ xanh mướt.  Mấy trái non mập ú lún phún lông tơ nặng triũ giàn.  Hàng xóm đi qua ai cũng khen Ngoại mát tay, rồi chặc lưỡi hít hà, “Giàn bầu sai trái quá, canh bầu nấu với râu tôm ngon hết biết à nghe!”.  Thằng nhỏ mù ngồi hấp háy đôi mắt đục lờ, nghiêng tai hóng nghe người ta nói mà có thấy được trái bầu, trái bí nào đâu.  Lượm nghĩ bụng khi bầu chín quả nó sẽ nấu canh bầu để Ngoại ăn cho mát rồi sẽ bưng mời thằng nhỏ một tô, không ngọt xuống tới cuống họng thì thôi.  Nghĩ vậy, nhưng khi đụng phải bộ mặt lầm lì chịu đựng của nó Lượm bổng thấy khớp.  Ngoại hay nói “Nghèo không phải là một cái tội nhưng khinh khi cái nghèo thì tội lắm con ơi!”.  Lượm chỉ sợ nó nghĩ Lượm coi thường nó, coi thường cái nghèo hèn rách rưới của nó thôi.  Vậy mà đôi lần Lượm bắt gặp nó nói chuyện với con vàng, miệng lầm bầm cái gì Lượm nghe không rõ.  Con vàng nằm xoài gác đầu lên chân thằng nhỏ, mắt lim dim thỉnh thoảng lại vểnh tai lên nghe ngóng rồi gừ gừ nho nhỏ trong cổ như đang nói chuyện với cậu chủ.  Còn thằng nhỏ vòng đôi tay gầy guộc qua cổ con chó vuốt ve trìu mến, nét mặt nó bỗng trở nên sáng rỡ không còn cái vẻ khắc khổ, buồn bã hàng ngày.  Lượm chợt nhận thấy trong cái tận cùng của sự cô đơn người ta cần biết bao tình yêu thương đùm bọc ngay cả khi nó không đến được từ tình đồng loại.  Có lần Ngoại nhìn thấy nó rồi móc túi đưa tiền cho Lượm biểu chạy theo mua tấm vé số.  Tối về Lượm nằm trằn trọc cả đêm, nhắm mắt chập chờn chỉ mơ thấy thằng nhỏ mù và những tấm vé số đầy màu sắc như bươm bướm bay đầy trời.

Mưa…  cơn mưa của cái xứ chỉ có hai mùa nên đổ nước trận nào là ra trận đó.   Buổi chiều mây đen kéo đến giăng kín một góc trời xám xịt.  Gió xao xác cuộn tròn theo những chiếc lá, rác rưởi trên đường.  Người lớn nhìn trời lắc đầu ngao ngán, giọng rầu rầu: “Mưa như vầy còn buôn bán, làm ăn được gì hở trời!” rồi lụi hụi đi lấy thau, sô để chuẩn bị hứng nước dột.  Chỉ có lũ trẻ là khoái chí ngấm ngầm trong bụng vì không phải đến trường học hay đi phụ cha mẹ kiếm ăn.  Những người đi đường vội vã tất tưởi trong cơn gió mong kịp về nhà khi trận mưa chưa đến.  Có vài giọt  lất phất rơi trong trời chiều làm nhẹ đi cái nóng oi ả của  ban trưa còn vương vất.  Quán thịt cầy ngoài đầu đường đã có khách ghé qua ngồi trú mưa đông đúc lắm rồi.  Những khuôn mặt nhễ nhại đỏ ké vì rượu thịt, chả dồi…  Ở đó là một thế giới khác biệt hẳn với cái xóm nghèo bần cùng của Lượm.  Người ta ăn, người ta nói, ồn ào vui vẻ giữa những đùi thịt nướng vàng ngậy, những đầu chó thui nhe răng trắng nhởn.  Mỗi lần Lượm đi qua quán nó luôn cúi nhìn xuống chân hay ngó lơ ra ngoài lộ.  Nó cảm thấy rờn rợn.  Mùi thịt nướng từ cái lò quạt than đỏ hồng đang nhỏ mỡ ngút khói kia chỉ làm cho nó muốn ói.  Nó muốn chạy nhanh qua khúc đường đó đến khi quẹo ngang vào con ngõ, ngửi thấy mùi ẩm mốc của cái xóm nghèo đã thấm sâu
vào da thịt quen thuộc không rời.

Khi Lượm vừa kịp dọn hàng cho Ngoại, mưa đã bắt đầu nặng hạt.  Về đến nhà chỉ trong chốt lát trời đổ mưa như trút nước.  Cả cái xóm nghèo ngập nước chảy loang loáng thành dòng sông nhỏ lờ lờ đục ngầu, rác rến trôi lềnh bềnh.  Lượm thích nhìn những cái bong bóng nước tự phồng lên rồi vỡ tan ra dưới làn nước như những con cá đang đớp mồi.

– Lượm ơi!  Ra tắm mưa.

Thằng Còi đang đứng nhảy cởn cởn trước sân réo um sùm.  Như chỉ chờ có thế, Lượm nhảy phóc xuống giường cởi phăng chiếc áo trên người phóng vội ra sân.  Thằng Còi mặc trần xì có cái quần đùi xệ rún khoe những chiếc xương sườn nhô cao tưởng lần tay là có thể đếm được.  Hôm trước trong giờ Khoa học Thường thức, học bài “thân thể người ta gồm có ba phần: đầu, mình và tứ chi”, tụi nhỏ cứ liếc về phía thằng Còi mà cười híc híc.  Cô giáo phải gõ thước lên bàn côm cốp làm mặt nghiêm nhưng cũng không dấu được nụ cười tủm tỉm.  Bộ giò của nó như hai ống sậy nhưng nhanh vô cùng.  Nó có cú “ngả bàn đèn” sút gôn thần sầu quỷ khốc.  Trận banh nào thiếu nó phe ta cũng chạy hụt hơi chứ chẳng chơi.  Khi Lượm ra sân, tụi nhỏ đã chia phe đá bóng bùm bùm nước văng tung toé.  Cả xóm vang lên tiếng la hét ồn ào của lũ trẻ xen lẫn tiếng chân lội bì bỏm trong nước lôi kéo cả người lớn cũng phải hé cửa theo dõi trận đấu “bóng nước” có một không hai.  Thằng Còi bị hai thằng nhóc  kèm chặt nãy giờ, chỉ chờ sơ hở nó sút một trái mở màn qua bên gôn địch.  Thằng thủ môn trợt chân té chúi nhủi, trái banh bay thẳng qua đầu trong tiếng reo hò chiến thắng của lũ trẻ.  Thằng Lượm chạy theo trái banh lăn vào trong chái hiên của ngôi đình, bất ngờ nhận ra thằng nhỏ bán vé số đang ngồi co ro một mình trong góc đền.  Mặt nó tái mét vì lạnh, hai con mắt ngơ ngác thất thần ngẩng lên khi nghe bước chân Lượm đến gần.  Nó chỉ có một mình, con chó vàng không còn bên cạnh nó.  Thằng Lượm buột miệng hỏi:

– Con chó vàng của mày đâu?

Hai dòng nước mắt ứa ra từ đôi mắt mù lòa.

– Người ta bắt nó rồi!

Nói xong nó gục mặt xuống đôi tay, hai vai run run trông như một tàu lá chuối đang tả tơi trước gió.  Thằng Lượm chợt thấy nghẹn nơi cổ họng, nó muốn nói một câu gì đó mà không sao nói được.  Nó ngồi xuống bên cạnh vòng tay ôm lấy vai thằng nhỏ nhìn ra ngoài trời mà thấy mắt mình cũng ướt đẫm.

Mấy ngày sau không thấy thằng nhỏ mù đi qua xóm nữa.  Trưa nào Lượm cũng bưng tô cơm ra bên hiên nhà ngóng nó.  Ngoại hỏi:

– Sao buồn vậy con?

–  Người ta bắt con chó vàng của thằng nhỏ bán vé số rồi, Ngoại à!

Ngoại thở dài:

– Sao không nói cho Ngoại biết.  Chiều ra phụ Ngoại dọn hàng sớm rồi đi tìm nó nghe.

Lượm nhìn theo bóng Ngoại lững thững đi ra sân.  Ánh nắng ban trưa xuyên qua giàn bầu rọi xuống mái tóc lơ thơ bạc trắng ánh lên những tia sáng vàng rực.  Lượm bỗng thấy Ngoại giống hệt ông Bụt trong những chuyện cổ tích mà cô giáo nó hay kể, bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa…”.  Lượm mỉm cười nghĩ thầm, ngày mai nó sẽ vào lớp và nói với cô rằng: “Không phải chỉ ngày xưa mới có chuyện cổ tích đâu, ngoài đời thường cũng có những chuyện cổ tích rất hay nếu chúng ta vẫn còn muốn kể.”

Nguyên Tú My

Read Full Post »

Ừ nhỉ ngỡ quên mà vẫn nhớhainusinh1
Ngỡ hồn vẫn trắng vở học trò
Ngỡ kỷ niệm xưa là bản nháp
Cục tẩy dòng đời sẽ xóa mờ

Ừ nhỉ ngỡ quên, quên được đâu
Thà như tượng đá cuối vực sâu
Đêm về nghe sóng ru niềm nhớ
Mà chẳng biết đau, chẳng biết sầu

Ừ nhỉ nhớ nhiều cũng thế thôi
Áo em trắng quá trắng tình tôi
Câu thơ năm cũ còn dang dở
Gửi gió theo mây đến cuối trời …

    Nguyên Tú My

Read Full Post »

Còn Yêu Em Không ?

cucvang3Đã qua rồi mùa Xuân xưa rực rỡ
Đóa cúc vàng buồn rũ bóng trên sân
Xác pháo hồng bạc màu tim tím ngắt
Mùa Xuân qua một khoảnh khắc rất gần

Đã qua rồi mùa Hạ đầy nhung nhớ
Cánh phượng hồng thắm đỏ góc sân trường
Mưa đầu Hạ, ướt phố xưa anh đến
Bờ môi kia đã quên một nụ hôn

Đã qua rồi mùa Thu vương tóc rối
Hoa nắng vàng kỷ niệm cũ phôi pha
Và dù biết ta xa nhau từ đó
Vẫn hỏi thầm … có còn yêu em không ?

Nguyên Tú My

Read Full Post »

 

Ngày gặp nhau chúng mình khẽ nói
Hai mươi sáu năm rồi trôi thật là nhanh
Những kỷ niệm xưa nhập nhòa trong bóng tối
Ngồi nhắc nhau nghe
Có đứa nhớ đứa quên
Này có còn nhớ ngày đi lao động
Dưới cái nóng cháy da
Đầu vẫn để trần
Đạp con ngựa già leo dốc dài Thủ Đức
(mà vẫn còn gân cười ha hả)
Và cố gồng mình thi ai đạp xe nhanh!
Này có còn nhớ trò chơi dấu dép
Dấu làm sao tìm mãi không ra
Làm cô bạn khóc vùi sưng cả mắt
Để lũ con trai phải viết tự kiểm tra
Này có còn nhớ những mối tình nho nhỏ
Giữa điều có điều không là một khoảng cách rất gần
Có lẽ quá gần
Nên chẳng bao giờ dám tỏ
E sợ rằng sẽ làm đứt sợi chỉ mỏng manh
Có còn nhớ
và còn rất nhiều điều để nhớ
Những trận cười thức trắng cả đêm thâu
Khẽ hỏi nhau ngày đó tuy nghèo
Mà sao chúng mình thương nhau thế nhỉ ?

 

Nguyên Tú My

Read Full Post »

dinhhoi3

Minh họa: Nguyên Tú My

Cứ tưởng tượng thế này:

Vào một đêm không trăng không sao, đôi tình nhân ngồi bên nhau giữa tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió lao xao qua những hàng cây… Khoảng không gian thật kỳ diệu êm đềm như bao cuộc hẹn hò của những người yêu nhau. Thời gian như ngừng trôi… Bỗng một tiếng “Bốp!” chát chúa vang lên trong đêm vắng, giọng nhân vật nữ rít lên: “Anh, anh là đồ… con heo!”Bạn thân mến, kịch bản cho một tình yêu viết đến đây coi như hạ màn được rồi đấy. Không cần phải nói thêm chắc bạn cũng đoán ra được đoạn kết của câu chuyện. Ngố tôi cũng không dám chúi mũi vào chuyện của người khác không khéo lại bị mắng là “ngồi lê đôi mách” chỉ nói linh tinh. Vấn đề mà Ngố tôi muốn đề cập đến ở đây là cái câu mắng ấy.

Bị mắng là có họ hàng xa gần với nhà chú Trư quả là “đau hơn hoạn”! Giá như từ cái miệng xinh xinh ấy thốt ra rằng: “Anh là đồ… con dê!” thì còn gãi râu nhe răng ra mà cười “he … he …” cầu tình được vài cái. Hay hơn thế nữa “đồ … khỉ gió” nghe vẫn êm tai hơn nhiều. Còn đằng này… Quả là một sự bất công cho một con vật hiền lành dễ tính, dễ ăn dễ ngủ mà cứ bị người ta đem ra gán cho toàn tiếng xấu với đời. Chúng ta hay nói “ngu như heo”, “bẩn như lợn”… là đã vô tình vu oan giá họa cho chú Trư rất đáng yêu ấy. Heo không bẩn không hôi vì nó có ít tuyến mồ hôi. Nếu chúng ta chịu khó giúp nó tắm táp sạch sẽ thì chú heo vẫn thơm tho hơn loài mèo cả đời chả dám nhúng chân vào nước. Ấy thế mà cái loài vừa bẩn lại vừa lười chuyên “meo meo …” nịnh nọt ấy cũng vẫn nhảy tót được lên tay anh mà nũng nịu như nhà thơ Nguyên Sa thì thầm với người yêu của mình “Như con mèo ngái ngủ trong tay anh”. Hmm … hình như khi viết bài thơ này hẳn thi sĩ Nguyên Sa không nhớ rằng con mèo móng đỏ của ông ấy cũng cùng họ hàng với nhà cọp, sư tử, hổ, beo … thì phải? Hay cũng cùng là một loại gia cầm mà mấy chú Cẩu vốn lắm mồm hay sủa nhặng xị cũng được vào cả thơ văn lãng mạn: “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm.” Chả biết con chó ốm của nhà ông Nguyên Sa khi buồn như thế nào mà được ông ưu ái thế. Chứ ngày xưa ở nhà Ngố tôi có một con bẹc-giê nặng sơ sơ có 30 kí lô, mỗi khi nó ấm mình ai lỡ dại đụng vào chỉ có mà… tan xương!

Bây giờ mới hiểu tại sao có những người thích nuôi heo ở trong nhà thế cho loài chó nhé. Heo không sủa càn làm điếc tai hàng xóm, để pô-lít phải ghé qua nhà gõ cửa thẩy cho vài câu hăm he. Heo không cắn bậy vào chân vào tay để cho nạn nhân phải ngày ngày đau khổ vào Pasteur chích đủ hai mươi mốt mũi đau rụng rốn. Khoa học cũng chứng minh heo khôn chẳng kém gì loài chó. Vậy sao nỡ “bên trọng, bên khinh”? Thử hỏi các ông đi cưới vợ dẫn lễ linh đình bằng “một con lợn béo, một vò rượu tăm”. Đến ngày hôm sau không phải gửi trả lại cho nhà gái cái đầu heo thiếu tai thì còn gì sung sướng hơn? Và cô dâu, hôm nay đã trở thành bu nó sẽ đem cái tai heo ấy ngâm dấm cho chồng nhắm rượu, bộ đồ lòng nấu cháo để chồng ăn thêm bổ “lục phủ ngũ tạng” mà ngồi rung đùi ngâm nga rằng: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng” há chẳng vui sao? Với cách kén dâu “lợn đầu, cau cuối đầy tính dân gian như thế nên ngày xưa “đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác”, phải khôn lanh biết “vì đầu heo, gánh gốc chuối”. Người phụ nữ đảm đang biết xây “chuồng lợn hướng Đông, thổ công hướng Bắc”, công việc nội trợ khéo léo, làm bếp biết nêm nếm đúng gia vị, đừng để “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” phải nhắc nhở. Còn con gái thì cũng phải biết tránh xa “lái trâu, lái lợn , lái bò – trong ba anh ấy chớ nghe anh nào”. Các anh lái nếu không “lấc cấc như quạ vào chuồng lợn” thì miệng lưỡi cứ “trơn như mỡ heo” chả tin được. Nhẹ dạ mà nghe anh ta nhỏ to “Một trăm con lợn cũng chung một lòng” thì chằng khác nào “mượn đầu heo nấu cháo” mà thôi!

Ở nhà quê, nuôi heo là một nguồn lợi tức tại gia cho các bà, các cô. Chả thế mà có người nuôi heo mát tay con nào con nấy cứ phây phây, sòn sòn “đẻ như heo” vài lứa cho chủ “giàu nuôi lợn nái, lụn bại nuôi bồ câu”. Loài heo vốn dễ tính, dễ ăn. Vườn sẵn ao bèo, gốc chuối cứ “băm như cho lợn ăn” no là nó sẽ chóng lớn. “Lợn đói một bữa, bằng người đói nửa năm” để cho heo đói sẽ bị sút cân rất mau bán bị lỗ. Và khổ hơn nữa khi heo đau, heo ốm phải đi rước các ông thầy vườn về thăm bệnh. Chữa được thì hớn hở, tươi vui. Gặp phải lang băm chữa “lợn lành thành lợn què” lại khốn khổ than thở “nuôi lợn ăn cơm không, nuôi tằm ăn cơm nhộng”. Biết thế nhá, biết “chăn lợn ba năm không bằng chăn tằm một lứa” thì cứ nói “toạc móng heo” ra rằng: “Rõ là … ngu như heo!”

Ấy ấy, sao lại mắng người ta như thế!

Nguyên Tú My

Read Full Post »