Feeds:
Posts
Comments

Archive for January, 2011

Nguyên Xuân

Tranh: Đinh Cường

Hình như có điều gì lạ lắm
Đang bước ra từ những chồi lá non
Có phải là cô bé tí hon
Trong những câu chuyện xưa cổ tích

Tháng giêng đẫm sương rơi trong vắt
Hồn nhiên như đôi mắt ve chai
Em mở cửa đón ánh ban mai
Nghe cây lá chuyện trò bên cửa sổ

Hình như có ai kia đang chờ trên phố
Nào đã trao nhau lời hẹn hò đâu
Có phải tiểu thư mặc áo hoa ngâu
Mà hôm ấy nắng vàng sao nhẹ quá!

Hay tại gió thả rơi chiếc lá
Để cho anh mắc nợ một nụ cười
Để một người thấy nhớ một người
Lá thư xanh giấu hoài trong quyển vở

Hình như Đông đi qua
Sao nồng nàn thương nhớ
Rất dịu dàng tháng Giêng đợi mùa thu
Áo vàng qua phố
Có phải áo tiểu thư
Ừ, hình như giao mùa đang mở cửa

Vườn nhà ai
Có nụ hoa vàng mới nở…

Nguyên Tú My

Read Full Post »

Mùa xuân bình yên

Tranh: Tô Ngọc Vân

Hai mươi tám, cả nhà về quê ăn tết. Mẹ chuẩn bị quà đem về toàn những thứ vừa to vừa nặng chất đầy dưới gầm xe. Miên chiếm chỗ ngay bên cửa sổ, ngồi bó gối thong dong ngắm cảnh bên đường mặc cho thằng em cao lều khều loay hoay mãi vẫn không tìm được chỗ đặt đôi chân dài thượt, rồi rên rỉ cả chặng đường đúng là chở củi về rừng.

Đến nơi thì trời đã sẩm tối. May mà bà cho người ra đón trước ở bến xe. Chiếc xe tải cũ kỹ như xe thồ rau, cứ đi qua cái ổ gà nào là cả người lẫn xe đều long lên sòng sọc. Thằng em lúc này lại tỉnh như sáo huyên thuyên bắt chuyện với người tài xế ở băng trước. Trời tối nên không nhìn rõ mặt lắm, dưới ánh sáng vàng ệch rọi vào từ ánh đèn pha phía trước gương mặt bị che khuất dưới vành mũ rộng chỉ lộ ra chiếc cằm vuông và hàm răng trắng khi anh ta cười lớn tiếng.

Đường nhà quê trời mưa phùn nhơm nhớp bùn đỏ đặc quánh. Miên rón rén trên đôi guốc cao sợ bị trượt, một tay vén quần một tay ôm túi bước vào sân. Bà đã đứng đợi ở cửa từ lúc nào, miệng cười móm mém suýt xoa thăm hỏi, mệt lắm không con? Miên rưng rưng ôm bà vào người cảm thấy bà bé nhỏ hẳn đi lọt thỏm trong vòng tay của mình. Mùi hương bồ kết thoang thoảng từ tóc bà lan ra làm Miên cảm thấy dễ chịu. Thằng em cậy thế mình là cháu đích tôn, xô ngay vào ông nịnh nọt, khen ông ngày càng đẹp lão. Vào nhà mọi người như khoẻ hẳn ra sau một chặng đường dài, đi lại nói cười ầm ĩ. Bà tất tả giục người nhà dọn cháo cho cả nhà ăn tối. Những miếng thịt gà vàng ươm rắc lá chanh xếp gọn gàng trong đĩa cạnh chén nước mắm gừng làm Miên đói nôn nao. Bà ngồi cạnh gắp đầy thịt vào chén Miên. Thím Ban ngắm Miên mãi rồi khen, con gái lớn tướng gả chồng được rồi đấy. Miên tủm tỉm cười thầm nghĩ, rõ khổ, con gái chứ có phải con gà con vịt gì đâu mà cứ mong nuôi lớn rồi đem gả, đem bán. May mà cánh đàn ông ngồi cả ở bàn ngoài nếu không chắc Miên ngượng chết được.

Nhà ông bà rất rộng, mái ngói âm dương nâu cổ nhìn ra sân gạch bát tràng khi mưa xuống lại ửng lên một màu đỏ thẫm. Trước sân ông trồng đủ loại cây cảnh, hoa trái. Vào mùa xuân cây bưởi ở góc sân ra rất nhiều trái ngọt. Khi bưởi chín ông hái xuống đem bôi vôi vào cuống quả rồi cất dành cho con cháu. Năm nào cũng vậy, sau tết trở về thành phố là bố cũng khiêng cả bao tải toàn bưởi nhà trồng đem biếu hàng xóm ai ăn cũng khen ngon. Giống bưởi ấy mà khéo giữ có thể để được đến hai, ba tháng. Biết ông quý cây bưởi nên khi chú Ban lấy vợ dựng nhà riêng ngay trên miếng đất bên cạnh mà ông chia cho, chú phải ngăn lối đi bằng tấm rào liếp lớn chắn ngang cây bưởi cho đến khi nhà xây xong mới tháo xuống. Hai nhà chỉ cách nhau có một bờ rào thưa trồng dong riềng ra hoa quanh năm đỏ chói. Đến mùa cây có củ, thím làm miến bằng củ dong rồi cuốn thành từng vắt lớn cho mẹ đem về thành phố. Mẹ vẫn khen miến thím làm ăn giòn không bị bở, chả bù cho miến chợ làm dối bỏ đầy hàn the. Ngày còn bé Miên vẫn hay chui qua bên ấy chơi trốn tìm với đứa em họ; đôi khi lần mò ra ao bắt chuồn chuồn, vớt hoa bèo hay khều những cọng rau nhút mọc lô nhô dưới nước. Có lần sơ sẩy thế nào lại rớt tòm xuống ao may có thằng bé hàng xóm nhìn thấy lội xuống vớt Miên lên. Thoát chết nhưng từ đấy Miên phải gọi nó bằng anh. Thật ra nó lớn hơn Miên đến vài tuổi nhưng Miên lại quen cái thói kiêu kỳ con gái thành phố, cứ câng câng xưng tên rồi nói trống không, chẳng bao giờ chịu gọi anh. Mùa hè năm sau trở về nghe bà bảo nhà hàng xóm ấy đã dọn đi nơi khác rồi bỗng nhiên Miên lại thấy buồn và chợt nhớ ra mình chưa biết tên nó là gì, vẫn chỉ là tiếng “anh” trống không như một ký ức tuổi thơ nhạt nhoà xưa cũ.

Ăn xong Miên bưng mâm đi ra sân ngồi rửa. Mọi người vẫn còn chuyện trò ồn ào ở trên nhà. Thằng em có vẻ hoà nhập rất nhanh với nhóm đàn ông trên ấy. Thật ra chỉ toàn người lớn, có ông, có bố, chú Ban, hai bác hàng xóm là bạn cũ của bố và anh lái xe ban chiều thế mà cũng ồn ào nổ chợ. Miên nghe loáng thoáng có ai nhắc đến tên mình.

Tay dầm trong nước nãy giờ cũng đã thấy tê lạnh. Miên xuýt xoa ủ tay vào người, dợm đứng lên mang rổ bát vào nhà thì có tiếng nói cất lên:

– Miên để tôi đem vào cho. Đi cẩn thận kẻo trơn.

Chút nữa thì Miên va cả người vào cái bóng sừng sững của anh lái xe đứng chắn ngang cửa bếp. Miên lí nhí, cảm ơn anh rồi ra bếp pha nước ấm rửa tay. Bà ở trên nhà đi xuống, bảo:

– Hai anh em đã nhận ra được nhau chưa? Miên còn nhớ anh không, chào anh Quân đi chứ.

Miên ngớ ra nhìn người thanh niên đứng trước mặt mình, đôi mắt sâu đen chăm chú nhìn Miên nửa tinh nghịch, nửa vui mừng. Miên nói như hụt hơi:

– Chào… anh!

Đêm tháng Chạp chợt nóng bừng.

***

Hôm sau Miên tỉnh giấc vì tiếng gà gáy sáng. Con gà trống đứng trên bồ rơm cạnh cửa sổ gáy ò ó o inh ỏi. Nhìn qua giường bên cạnh bà và mẹ đã dậy hết cả rồi, có tiếng lạch cạch nồi niêu tiếng người nói râm ram từ nhà bếp vọng ra. Miên khoác chiếc áo ấm vào người đi ra nhà bếp. Chùm khánh đất treo trên cây nêu đầu ngõ chạm gió vang lên âm thanh leng keng trong trẻo trong nắng sớm đầu xuân. Ở chính giữa bếp trải hai tấm chiếu lớn bầy đầy xô, chậu, mâm, rổ rá để chuẩn bị gói bánh chưng. Trên tấm phản gỗ từng chồng lá dong rửa sạch xếp ngay ngắn đặt trên là bó lạt lớn màu trắng xanh mà ông đã chẻ sẵn từ mấy ngày trước. Nói đến việc chẻ lạt, róc lá thì không ai có thể khéo bằng ông. Từ hai mươi ba tết bà đã lo đi chợ chọn nứa. Nứa mua về cạo lớp vỏ xanh bên ngoài rồi dùng dao lớn tách ống nứa ra thành nhiều thanh, sau đó dùng dao nhỏ chẻ thành từng mảnh lạt mòng rồi đem phơi nắng cho mềm dành để gói bánh. Trong bếp mẹ đang hấp đậu bằng cái chõ thật to, hơi bốc lên nghi ngút. Được mớ nào mẹ đổ ngay vào chiếc cối đá cho bố giã nhuyễn ra rồi nắm lại thành từng nắm nhỏ đặt vào mâm. Nơi sàn nước thím Ban đang xóc muối từng rổ nếp trắng tinh đã được ngâm từ hôm qua. Ờ một góc sân chú loay hoay xếp những viên gạch đá ong lớn chuẩn bị bếp để nấu bánh, bên cạnh là một cái nồi to cao cả thước. Năm nào cũng thế bà gói cả trăm cái bánh chưng, phần để ăn ngày tết, phần biếu họ hàng, phần hàng xóm gửi nhờ. Bà kỹ tính chọn lựa từng yến nếp ngon, ngâm đỗ, ngâm gạo vừa đúng, lau rửa lá sạch nên bánh chưng để đến mồng mười vẫn không bị mốc. Nhìn thấy Miên đi ra bà quay lại cười, ánh lửa từ bếp tỏa lên gương mặt sáng niềm vui ấm áp:

– Miên ăn sáng xong rồi đi theo anh ra chợ, đến hàng bà Tam lấy thịt về cho bà ướp sớm nhé.

Miên dạ khẽ rồi đi ra bể múc nước mưa rửa mặt. Tiếng gầu chạm vào nước nghe trong veo như bầu không khí buổi sáng ngày giáp tết mát dịu. Bà cẩn thận đã đặt sẵn một ấm nước nóng trên cái bếp than cạnh đó để pha nước rửa mặt. Nước ấm trong lành thấm vào làn da thanh xuân thiếu nữ khiến Miên thấy khoan khoái dễ chịu. Cô đi vào nhà khoác thêm tấm khăn quàng che gió, xách chiếc làn nhựa rồi đi ra sân. Anh đã đợi sẵn cạnh chiếc xe máy cũng cũ kĩ chẳng kém gì chiếc xe tải tối hôm qua. Chỉ khác sáng nay anh không đội mũ và nhìn Miên cười rất tươi. Và thật lạ, nụ cười ấy luôn làm Miên bối rối.

Tranh: LaVuong

Đường ra chợ lất phất mưa phùn bay, giọt mưa phơn phớt qua vai áo anh đọng lại thành từng đốm nhỏ li ti như bụi. Anh hỏi, Miên có lạnh không? Trời mưa phùn tháng Chạp, tiết Đại Hàn; còn anh phóng xe ngược gió xồng xộc trên đường đê như điên thế này làm sao mà không lạnh. Nghĩ thế, nhưng Miên vẫn ngoan ngoãn trả lời: Dạ, không! Anh không nói gì nữa nhưng qua kính chiếu hậu Miên thấy anh cười.

Phiên chợ ngày hăm chín ở nhà quê được xem như là phiên chợ cuối cùng của một năm. Người chu đáo đã chuẩn bị mua sắm dần từ đầu tháng Chạp. Thức nào dành được như măng, miến, đỗ… là họ đã lo sắm sửa trước rồi. Cứ thế, dần đến phiên chợ hăm sáu là mọi thứ phải lo đầy đủ trừ những thức ăn tươi như thịt cá, giò chả, rau đậu… mới đợi đến ngày hôm nay. Vậy mà người đi chợ, mua bán vẫn đông như nêm cối. Anh dắt xe len theo Miên đến hàng bà Tam bán thịt. Mỗi lần về quê Miên hay theo bà đi chợ nên nhận ngay ra được giọng bà oang oang giữa đám đông người đang bu quanh lao nhao chọn thịt. Một tay bà vần tảng thịt lớn trên thớt, tay kia cầm con dao to bản, miệng nói tay cắt xẻo nhát nào ra nhát đó thật gọn gàng. Nhìn thấy Miên, bà vội rút một gói lớn ở dưới gầm sạp dúi vào người cô, ghé tai thì thào:

– Phần thịt ngon nhất bác để dành cho bà đấy. Cháu về ngay đi không khéo các bà ở đây trông thấy lại tị nạnh. Còn tiền ngày mai bác cho người qua lấy!

Miên ôm gói thịt nặng, đeo thêm mấy cây giò chen ra ngoài vừa vui, lại vừa cảm thấy mình giống như đang phạm tội dành mất phần ngon của người khác. Anh giúp Miên bỏ gói thịt vào giỏ cột phía sau xe, treo mấy cây giò vào tay lái rồi lại hì hục đẩy xe ngược dòng người đi ra phía cổng chợ. Miên đủng đỉnh tay không theo sau ngắm cảnh chợ quê mua bán tấp nập. Ánh mặt trời buổi sáng tỏa sức ấm lan dần trong nắng sớm rực rỡ trên các chậu cúc vàng bầy trước cổng. Anh dừng lại bên hàng hoa cúc. Người bán hàng đon đả mời chào. Ở quê, nhà ai cũng trồng được dăm bẩy cây cảnh trong sân nên ít người mua hoa chưng ngày tết. Hàng hoa cũng không có nhiều toàn là cúc, vạn thọ và vài cành đào còn đầy nụ. Miên giúp anh lựa hai chậu cúc đại đoá, hoa nở to bằng miệng chén trông thật đẹp. Đến lúc mua xong cả hai mới ngẩn người ra vì không biết sẽ chở về bằng cách nào. Ông bán hàng lăng xăng giúp anh cột một chậu hoa vào đằng sau, một chậu ở phía trước. Miên đứng nhìn khoảng trống còn lại của chiếc xe thầm nghĩ, không biết mình và cái giỏ nặng này sẽ được đặt vào đâu đây. Miên đợi anh nổ máy xe rồi mới leo lên ngồi. Ông bán hàng đặt cái giỏ vào người Miên và bảo: Một tay cô ôm cái giỏ này, tay kia ôm chặt lấy cậu ấy là được thôi. Trời lạnh ngồi chật càng ấm. Cứ thế nhé! Miên đỏ mặt nhưng không còn cách nào khác. Suốt cả đường về Miên không dám nhìn lén anh qua gương nữa mà ngồi nhẩm đếm được đúng mười tám cái ổ gà.

Về đến nhà thằng em đang đứng khuỳnh chân khuỳnh tay tập thể dục huỳnh huỵch ngay giữa sân. Thấy xe vào nó oang oang cái giọng vỡ tiếng:

– Xe hoa chở cô dâu về rồi kìa.

Mấy đứa em họ chạy loanh quanh gần đó cũng reo ầm lên, cô dâu chú rể đội rế trên đầu. Miên đưa cái giỏ cho thằng em cầm, bước xuống xe, vờ đạp vào chân nó một cái thật mạnh rồi chạy thẳng vào trong bếp ngồi hong tay bên bếp lửa. Tự dưng Miên thấy lòng mình dâng lên một nỗi niềm khó tả. Một nỗi dịu dàng thiếu nữ thật nhẹ nhàng nhưng rực rỡ như sắc hoa vàng óng của chậu cúc ngoài sân kia.

***

Chậu cúc được đặt ở trước hiên nhà. Giữa tháng chạp buốt giá hai chậu cúc vàng tươi viên mãn tỏa ra ánh sáng tươi vui nhuộm vàng khoảng sân trước rộn ràng cùng nắng. Ông chống gậy đi ra đứng ngắm, gật gù khen:

– Đẹp đấy. Hoa nở đều, những búp hoa này đến mồng một là nở rộ thôi. Ai khéo chọn thế?

Anh đứng lùi lại, nghiêng đầu ngắm:

– Miên chọn đấy ông ạ! Chợ hoa giáp tết chẳng còn nhiều thế mà lại chọn được hai chậu hoa tươi, búp đầy cành. Người ta bọc hoa kỹ lắm. Con chở từ chợ Cầu về mà không gẫy cành nào.

– Ừ, người buôn hoa họ tinh tế lắm cháu ạ. Có sống với nghề mới biết họ yêu thương cây cỏ như thế nào. Phường “ăn xổi ở thì” không sống bền với nghề này được đâu.

Ở trong bếp, thím Ban khẽ thì thầm với mẹ nhưng có vẻ lại muốn Miên nghe thấy:

– Hai đứa này có vẻ hợp nhau nhỉ. Thằng bé ngoan và chịu khó lắm chị ạ! Hai mươi hai tuổi rồi, học xong năm nay là đi du học nước ngoài đấy. Không biết lưu luyến gì mà nhất định về đây ăn tết trước khi đi xa.

Mẹ ầm ừ, “Thế à” mắt khẽ liếc nhìn Miên thăm dò. Mẹ vẫn bảo Miên cứng đầu, khó hiểu và đầy phức tạp. Đàn ông phức tạp thì làm khổ người khác, làm thân đàn bà lại phức tạp chỉ làm khổ chính mình thôi con ạ. Nghe mẹ nói Miên chỉ cười không cãi. Cãi làm sao được khi chính Miên đôi khi cũng chẳng hiểu được mình, đôi khi cũng thấy mình xa lạ hẳn với những đứa con gái cùng lứa tuổi. Mắt Miên thấp thoáng nét thơ ngây, trong veo như nắng nhưng nhìn ai cứ xuyên thấu tâm can người đối diện. Những đứa con trai đối diện với Miên đôi khi phải lảng tránh đôi mắt nhìn rất thẳng và rất sâu ấy. Vậy mà Miên lại ngại ngùng trước đôi mắt của anh, đôi mắt đen sẫm đã có một lần cúi xuống bên Miên rất gần, rất gần… chỉ một lần nhưng không bao giờ quên được. Bờ ao xưa… con đê già… tuổi thơ trong vắt…


Tranh: LaVuong

Mùa hè năm ấy mẹ gửi Miên về quê ở với ông bà cả tháng. Đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất của quãng đời niên thiếu tự do rong chơi cùng hương đồng cỏ nội. Làng quê xanh bóng tre rì rào trong gió, nắng len lỏi qua hàng cây chạy dọc theo triền đê có con sông sâu miệt mài rong ruỗi ngút tận chân trời. Cả ngày Miên mê mẩn chạy đuổi theo những cánh chuồn kim xanh biếc, chuồn ớt đỏ thẫm bay lượn bên bờ ao, trên bụi duối lá nhám xanh rì. Vào mùa hè, lũ trẻ hàng xóm hay tụ tập trước hàng duối nhà ông hái quả chín vàng ngọt ngào ăn ngon lành. Năm ấy Miên vừa tám tuổi, tóc tém ngắn bướng bỉnh và nghịch như con trai. Miên lén lấy nhựa mít bôi vào những quả duối chín, ăn xong tay chúng dính đầy nhựa bôi vào tóc vào áo nhau rồi quay ra cãi nhau ỏm tỏi. Miên ngồi vắt chân sau bờ rào gặm ổi cười thích thú.

Nhưng trò đùa tinh nghịch ấy không qua mắt được một thằng bé gần nhà. Ngày hôm sau đợi ông ngủ trưa Miên leo lên giàn bếp lấy ống đựng nhựa mít của ông mon men ra bờ rào tiếp tục trò đùa tinh nghịch của mình. Nó trốn sẵn ở đâu đó, đợi Miên vừa quệt nhựa vào quả duối đầu tiên thì nhảy ra nắm chặt lấy tay Miên, la lên:

– Bắt được quả tang rồi nhé, nhóc con!

Miên đâu có ngán giật mạnh tay ra trừng mắt, quát lại:

– Duối nhà người ta, ai bảo mấy người đi ăn trộm?

Thằng bé đứng lùi lại khoanh tay trước ngực nhìn Miên nói giọng kẻ cả:

– Ốc tiêu bé con chỉ bằng cái nắm tay người ta mà hùng hổ thế. Ở đây chẳng có cái gì là của riêng cả. Không ăn thì chim cũng đến ăn hết thôi. Con gái dữ dằn thế thì ai dám chơi hả, bà cô?

– Không chơi thì đây cũng không thèm. Đừng có đến gần người ta!

Miên nhấm nhẳng trả lời. Thầm nghĩ, cái mặt không ưa được. Có tiếng ông gọi ở trong nhà, Miên vội chạy vào sau khi ném cho nó một cái nhìn đầy sát khí.

Chẳng biết vì lũ trẻ sợ nhựa mít hay vì chúng đã tìm được một thứ trái cây khác ngon lành hơn, đám con nít không còn tụ tập trước nhà hái duối ăn nữa. Miên tha thẩn chơi chán lại lôi những quyển sách cũ ố vàng mốc meo của ông xuống đọc. Bộ Tam Quốc Chí tám quyển dầy cộp đã đọc xong cả tháng nay, Miên nằm vắt chân nhìn qua song cửa nghe ông ngâm thơ Đường giữa trưa vắng, chẳng hiểu gì nhưng bỗng nhớ nhà rười rượi.

Thùy gia ngọc địch ám phi thanh
Tân nhập xuân phong mãn lạc thành
Thử dạ khúc trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình
(thơ Lý Bạch)

Nằm xoay ngang xoay dọc chán, Miên đợi ông ngủ yên rồi rón rén đi ra vườn. Góc vườn ban trưa yên ả chỉ có tiếng gió đưa qua lũy tre đầu ngõ kêu xào xạc. Phía bờ ao con gà mái dẫn đàn con đi kiếm ăn vừa đi vừa kêu “túc … túc…” Miên lượm nhánh cây khô ngồi đào trùng dưới bóng cây ổi cành rậm rạp xoè tán. Cảnh quê ngọt ngào quá làm Miên nguôi nỗi nhớ nhà. Đưa mắt qua phía bờ ao Miên thấy từng chùm hoa bèo tây nằm lửng lơ trên mặt nước nổi lên một màu tím ngắt giữa chùm lá xanh, bèo tấm bao quanh. Ở thành phố chưa bao giờ Miên nhìn thấy loại hoa này. Màu tím của nó sao ngọt ngào quyến rũ quá. Miên lượm một nhánh cây dài đi dần ra ven bờ ao tìm cách khều chùm hoa trôi dập dềnh dưới nước. Nhánh cây mỏng không đủ sức kéo chùm hoa đầy rễ bám chặt phía dưới. Miên bước gần ra nữa, bám tay vịn lấy một nhánh ổi đâm ngang loà xoà gần mặt nước. Nắng ban trưa xuyên qua kẽ lá lấp lánh trên mặt nước, Miên thấy cả bóng mình phản chiếu trong nước thật gần, thật gần… soi rõ… một khuôn mặt con trai, tóc tai bờm xờm đang trợn mắt, nhe răng đu đưa trên cây ổi sau lưng Miên.

Rắc…” cành ổi gẫy ngang, Miên té nhào chới với dưới nước, nước trào vào miệng vào mũi. Trong cơn hoảng loạn Miên thấy có người lao xuống kẹp ngang người lôi Miên lên bờ. Kết quả là sau trưa hôm đó Miên bị ông cấm đi ra ao một mình.

***

Tất bật cả buồi sáng rồi cũng gói xong trăm cái bánh chưng. Miên không biết làm gì chỉ lăng xăng phụ giúp việc vặt ở bên ngoài. Việc gói bánh là của đàn ông trong nhà do bố và chú làm rồi. Anh đứng nhìn ngắm một lát rồi cũng xăn tay áo vào tập gói bánh. Cái bánh đầu tiên xộc xệch trông thật tội nghiệp. Anh thản nhiên lấy sợi lạt mới đặt chéo góc đánh dấu cái bánh, bảo dành riêng cho Miên.

Tối hôm đó thật vui cả nhà quây quần thức khuya chờ bánh chín. Mấy đứa em họ trài chiếu xuống đất rủ mở sòng bầu cua cá cọp. Miên và anh bị đẩy vào một phe, anh làm chủ sòng Miên ngồi chia tiền. Tụi nhóc được một phen la hét ầm ĩ vì nhà cái thua đậm đến trắng tay. Thằng em ngồi một bên bá cổ anh cười ngất, hỏi ấm ớ: “Đen bạc đỏ tình phải không Miên?” Anh cười cười gật gù: “Không biết được để tối mai Miên dẫn anh đi chùa hái lộc, gieo thử giùm anh một quẻ tình duyên xem sao nhé?”

Chùa làng đêm ba mươi Tết đông nghịt người đi dâng lễ. Cửa chánh điện mở rộng khói hương mù mịt. Anh kéo Miên đi vòng ra cửa hậu bên hông chùa, hai đứa len vào đặt lễ lên bàn Tam bảo, thắp được nén nhang rồi phải lui ra ngay nhường cho người khác vào. Nét mặt ai cũng lộ nét hân hoan, rạng ngời chờ đón một năm mới an lành. Bên hàng xin xâm, gieo quẻ đa số là những đôi thanh niên nam nữ đi bên nhau ân cần ríu rít. Đứng xếp hàng mãi mới đến lượt vào. Anh cầm ống sâm lên lắc mạnh rớt ra cả bó. Miên quay sang bảo, vía nặng quá, phải thành khẩn cầu nguyện thánh mới ứng. Anh phì cười chợt nắm lấy tay Miên kéo đi ra ngoài: Không phải cầu xin gì nữa đâu, anh đã tìm được điều mình muốn rồi.

Đi ngang qua gốc đào già Miên ngửi thấy mùi hoa thơm ngan ngát lan trong đêm xuân. Mùa xuân miền quê có cái không khí nhẹ nhàng chan hoà cùng với cây cỏ đất trời thật trong lành. Anh chọn một nhánh lộc non ở trên cao đặt vào tay Miên. Hai đứa ngồi xuống bệ đá bên hồ sen nhìn ra phía cổng chùa có những đứa trẻ đang chơi đốt pháo tép đì đạch trước sân, nói vu vơ về những kỷ niệm ngày xưa. Những kỷ niệm vừa cảm động, vừa buồn cười làm Miên nao lòng. Anh nhặt một nhánh cây khô vẽ xuống đất những vòng tròn vô nghĩa, hỏi:

– Miên có biết vì sao anh trở về quê ăn tết năm nay không?

– Miên không biết, vì sao?

– Vì Miên!

Bất ngờ vì câu trả lời của anh, Miên lúng túng im lặng.

– Anh rời làng quê này đúng mười năm. Mười năm bỏ quê lên phố nhưng lúc nào trong tâm hồn vẫn lưu luyến hình ảnh của thôn xóm ngày xưa. Và kỳ lạ, trong chuỗi ký ức đó luôn có hình ảnh của Miên khi còn là một cô bé tóc ngắn, ngang ngược và bướng bỉnh. Anh biết Miên về quê hàng năm vào dịp tết nên anh…

Anh bỗng ngập ngừng, cầm tay Miên xiết nhẹ:

– Sau tết anh sẽ đi xa hai năm. Miên có cho anh một cơ hội hay không?

Có tiếng chuông chùa vang lên gióng giả giữa đêm trừ tịch báo hiệu cho một năm mới bắt đầu. Bầu không khí chung quanh chợt vắng lặng yên ả chỉ còn tiếng chuông ngân vang trong suốt len lỏi vào từng tâm hồn, nhịp thở của mọi người. Miên ngước lên nhìn vào đôi mắt anh sáng lấp lánh, nghĩ đến mùa xuân của tuổi mười tám đang đến rực rỡ như màu hoa cúc vàng trên sân nhà. Một mùa xuân có anh, có Miên, có một mái ấm gia đình đoàn tụ xum vầy cùng đón một mùa xuân bình yên trên quê hương. Cành lộc non trong tay Miên như vừa hé nở một búp xuân thì thơm ngát

Xa xa tiếng pháo đón giao thừa vang lên rộn rã.


Nguyên Tú My

Mùa xuân đầu tiên

Nhạc sĩ: Văn Cao – Ca sĩ: Thanh Thúy

http://www.youtube.com/watch?v=c8FqqZvCEqI

Read Full Post »

Tình quê

Tranh: La Viet

 

Con chuồn chuồn bay thấp gió lên

Giọt mưa rơi xuống hè nóng bức

Chú dế mèn rúc ra rúc rích

Hẹn hò đêm ra ngậm sương rơi

Thập thò trốn bên dậu mồng tơi

Nàng chim sâu cứ như người lỗi hẹn

Tựa đầu bên chùm hoa tim tím

Gió đưa về đưa đẩy lá trầu duyên

Bên bờ ao cánh bướm nhỏ chao nghiêng

Cụm lục bình đẫm mình trong nước

Bìm bịp kêu chiều vang thao thức

Con nước về dâng mấp mé bờ ao

Bên thành giếng gầu chạm nước lao xao

Làn suối tóc thơm như mùi hoa bưởi

Bước chân ai ngập ngừng bên hàng duối

Ngắm cánh chuồn ngơ ngẩn chạm vai trần

Vườn nhà quê trời gió nổi chông chênh

Trưa nắng hạ hoa dong riềng đỏ rực

Bỏ sau lưng tiếng ai cười khúc khích

Tối về nằm rưng rức nỗi nhớ thương

Nguyên Tú My


Read Full Post »

Hôm nay tuyết bay trắng xoá ngoài kia. Trời lạnh phủ đầy một màu xám trắng buồn buồn. Trong không khí của một ngày đầu năm mới, tôi chợt ước ao về một chậu cúc vàng hay cành mai tươi rực rỡ sắc màu để sưởi ấm một chiều chớm đông hanh hao nơi miền đông giá lạnh. Những bông hoa này ở một miền nắng ấm xa xôi kia người ta đang xôn xao vun xới, ủ mầm chờ đón một mùa xuân mới trở về trên quê hương.

Mủa xuân quê nhà vào những ngày cận Tết, xôn xao nhất vẫn là chợ hoa trên phố. Đã là một tập tục không thể quên, dù bận rộn đến đâu, người ta cũng phải ra chợ đón về nhà một vài chậu cây hoa kiểng để chưng ngày tết. Bắt đầu vào tháng Chạp đã có những chuyến xe hàng chở hoa tươi, cây kiểng đổ vào thành phố rồi. Chợ hoa Nguyễn Huệ lớn nhất nằm ngay trung tâm Sài Gòn lúc nào cũng dập dìu người đi đông như hội. Người đi mua thì ít mà người đi xem hoa, tạo cơ hội được chụp hình ngày xuân bên ngàn hoa sắc thắm thì nhiều. Vì muốn mua được hoa rẻ và để tiện chuyên chở người ta thường tìm đến các chợ hoa bày bán dọc trên các đường phố chính ở gần nhà. Dường như đi loanh quanh nơi đâu cũng bắt gặp đầy những chợ hoa như chợ Bàn Cờ trên đường Phan Đình Phùng, hay trước chùa Việt Nam Quốc Tự của đường Trần Quốc Toản, quanh Lăng Ông ở Bà Chiểu… Trong không khí nhộn nhịp của đường phố, các loại hoa xuân tỏa hết sắc màu khoe nét tươi thắm yêu kiều độc đáo của riêng mình: màu đỏ rực rỡ của hoa Đỗ Quyên, Mào Gà; màu hồng duyên dáng của Mãn Đình Hồng; màu trắng thanh tao của Cúc đại đoá, Thủy Tiên; màu tím dịu dàng của Phong Lan, Sao nhái… nhưng sắc vàng hoa Cúc, hoa Mai lúc nào cũng rực rỡ riêng biệt cả một góc trời không màu sắc nào khác có thể so bì được.

Mai vàng luôn là biểu tượng cho mùa xuân của miền Nam, cũng như hoa Đào là nét đặc trưng của miền Bắc, hay hoa Sen cũng là thanh sắc của người miền Trung. Mỗi loại hoa có nét đặc sắc riêng tùy theo khí hậu, địa thổ của từng vùng. Có phải vì ảnh hưởng khí hậu xứ nóng hay không mà mầu hoa Mai sao lại vàng rực rỡ quá, nhất là dưới ánh nắng của trời xuân miền Nam. Có đôi lần tôi đi về miền quê vào ngày Tết, hình ảnh cây mai vàng trong sân nhà quê đẹp kỳ lạ. Ẩn hiện đằng sau bờ rào xanh lá, cây mai vàng nở tung trăm cánh thanh tao khoe sắc trước thềm rêu, mái nâu nhà cổ cứ níu kéo chân tôi ngập ngừng không muốn rời bước. Có lẽ đối với tôi, hoa Mai càng đẹp hơn nhiều khi đứng giữa cảnh trời cô tịch. Sự cô đơn thật thích hợp với nét đẹp kiêu sa vàng rực rất đài các ấy.

Nói đến đây lại nhớ cây mai của nhà tôi ngày xưa. Đó là một cây mai vàng được trồng trong chậu kiểng lớn được đặt ở góc vườn. Trước Tết một, hai tháng là ba tôi đã lo tưới bón thăm dò trước rồi. Khi cách ngày Tết khoảng nửa tháng, ba tôi đem chậu mai ra sân hứng nắng, lau chùi chậu sứ sạch sẽ và bắt đầu lảy lá mai. Tùy theo thời tiết mà chọn ngày lảy lá, nếu tiết trời bình thường, nắng đẹp thì bảy ngày sau nụ bung vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng vào ngày Tết.

Tôi nhớ cảm giác háo hức bắt đầu từ ngày hai mươi ba Tết, sáng nào cũng ra ngắm nghía trông chờ từng nụ non chúm chím nở trên cành. Năm nào cũng vậy, cây mai nhà tôi luôn có đầy nụ trên cành. Đến khi bắt gặp được bông hoa đầu tiên hé nở cánh vàng là trái tim bừng lên một niềm vui khó tả. Rồi đến một sáng thức dậy, những nụ non xanh chợt biến mất để thay vào đó là một sắc vàng rực rỡ kiêu sa là biết mình đang chạm phải nhan sắc xuân thì của một năm mới. Đôi khi anh em tôi còn nghịch ngợm lượm những cánh hoa rơi, dán thêm vào đoá hoa làm thành bông mai mười hai cánh để loè người lớn rồi cười thích thú với nhau mà đâu ngờ rằng chính người lớn cũng đang giả vờ ngây ngô để làm vui lòng đám trẻ ngây thơ.

Lại nhớ đến thời còn trẻ vô tư phóng khoáng, khi Tết đến đúng là vui như Tết! Tuổi trẻ mà, mọi chuyện cứ rơi vào tay như trời đặt chẳng có gì để mà quay quắt nặng lòng lâu cả. Lại thêm nhạc Xuân, nhạc Tết lại vang lên khắp nơi réo rắt âm điệu tươi vui khiến lòng người càng thêm rộn rã, càng muốn bỏ quên đi những ưu tư buồn phiền năm cũ mà bước vào một năm mới, làm mới cả chính mình để được sống yêu thương, sống đam mê như đã từng sống, đã từng yêu.

Thiền sư Mãn Giác đời nhà Lý, có viết bài thơ rằng:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai”

Xuân duỗi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

(Thích Thanh Từ dịch thơ)

Câu thơ cuối cùng được kết thật bất ngờ nói về một điều kỳ diệu trong tâm linh, ẩn tàng sự trường tồn của đời sống tinh thần con người hoà cùng thiên nhiên cây cỏ. Tôi nghĩ chính vì nét đẹp thanh tao, quân tử mà hoa Mai đã được chọn như một ẩn dụ thật sắc sảo trong bài thơ tuyệt tác.

Một mùa xuân mới đang tới, nơi tôi ở không có mai vàng để đón xuân nhưng trong tâm hồn tôi vẫn mãi còn một sắc hoàng hoa lung linh rực rỡ của hoài niệm xa xưa. Xin trao bạn một nhành mai thuần khiết của tình bạn trong sáng mà chúng ta còn lưu giữ.

Mong một năm mới an lành đến với mọi nhà.

Nguyên Tú My

Câu chuyện đầu năm

Nhạc sĩ: Hoài An – Ca sĩ : Hoàng Oanh

http://www.youtube.com/watch?v=Dy1GlyrdubE

Mai Tứ Quý

Read Full Post »