Feeds:
Posts
Comments

Archive for December, 2010

Cô đơn

Tranh: Bùi Xuân Phái

Những đêm về sáng hình ảnh của ánh trăng khuyết trên bầu trời luôn gây cho tôi một cảm giác cô đơn dù rằng rất đẹp. Vẻ huyền ào cô độc trong đêm khuya thăm thẳm như mang một nỗi buồn giấu kín mà nhân gian không thể nào chạm tới được. Đêm hôm nay thật vắng lặng, bầu trời trong quá, nở những vì sao nhỏ lấp lánh. Tôi lắng mình đón nghe tiếng thở nhẹ của đêm dài đi ngang qua cửa. Mọi thứ chung quanh đều lắng đọng, không có cả tiếng gió đong đưa những chiếc lá vàng cuối mùa để được nghe âm thanh xào xạc như lời từ giã của mùa thu. Mùa lá vàng đã đi xa quá rồi, hương thơm của hoa cúc, miếng bánh trung thu, chiếc đèn lồng lung linh trong đêm rằm tháng Tám… Những ký ức xa xưa tưởng không thể nào nắm bắt được lại trở về trong một đêm trăng tròn vẹn, đầy tràn nỗi nhớ về một thưở bình yên.

Quá khứ của tôi đầy những đêm trăng như đêm nay. Những buổi tối một mình nằm ngắm trăng lên. Ánh trăng chênh chếch bên song cửa màu trắng xanh trong vắt, càng về khuya trăng lên cao treo lửng lơ giữa bầu trời một vệt cong buồn như mi mắt người con gái. Thành phố ngày xưa trong trẻo lắm vầng trăng khuya không bị che phủ bởi khói bụi mây mù hay ánh đèn của những tòa nhà cao ốc. Khung cửa trên lầu bước ra phía mái nhà sau bếp là một khoảng trời của riêng tôi, từ đó tôi có thể ngắm những ngôi sao nhỏ bé chi chít trên bầu trời, đắm mình vào những suy tư vụn vặt. Từ khung cửa ấy đã nhiều lần một mình tôi buông rơi tiếng hát trong đêm lặng, bàn tay thiếu nữ nắn nót trên từng phím đàn như chỉ có tôi và lời hát thênh thang tan vào gió.

Tôi không biết vì cớ gì khi đêm về luôn có nhiều điều phải nhớ. Căn nhà cũ, những câu hát xưa bồng bềnh trôi trong đêm từ chiếc máy cassette nhỏ. Giọng hát ru tôi vào giấc ngủ có Khánh Ly đem cô đơn về phố tàn phai, có Lệ Thu ray rứt tiếc thương ngày cũ, có Thái Thanh tình tự hát lời quê hương. Tôi yêu những buổi tối lặng lẽ khi chỉ có tôi, một mình đối diện với chính mình. Hình như nỗi cô đơn đã được định hình từ những ngày xa xưa ấy mà tôi đã vô tình không hay biết. Chỉ có trăng mới hiểu được tình người trong đêm vắng, những nỗi lòng không tỏ được cùng ai.

Như đêm nay, bài hát Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm cho tôi thực sự rung động. Tiếng đàn piano vang trong đêm vắng, một đoạn intro dịu dàng, buồn bã nhưng đủ đầy đủ ấm để ôm cà ánh trăng vàng vào lồng ngực, để thấy nỗi buồn chạm đến tận đáy lòng của niềm cô đơn mà người nhạc sĩ muốn gửi gấm trong từng cung bậc. Tôi yêu hình ảnh gầy gò đơn độc của ông bên chiếc dương cầm, trong giây phút ấy dường như nhân gian bộn bề không thể chạm được vào nỗi cô đơn của riêng ông. Bàn tay tài hoa nâng lên từng phím phiêu linh của nắng, của gió, của nỗi buồn lắng đọng làm thành cung bậc tuyệt vời. Càng nghe càng bị cuốn vào thế giới của nội tâm, của trầm buồn, của cổ điển xa xưa.

Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa…

Có những kỷ niệm buồn vui cả một thời nhưng nay lại cạn kiệt lời thì thầm cho nhau. Có những người ra đi khi ngày vui vẫn còn rộn ràng pháo hoa, nụ hồng. Đôi khi cô đơn là một lựa chọn để không bị tổn thương, đôi khi cô đơn cũng là sự mệt mỏi lui bước ra khỏi cõi đời rộn rã để đi tìm cho mình sự quạnh hiu đơn lẻ nhưng bình yên như mảnh trăng khuyết trên bầu trời kia.

Đêm nay nghe Cô đơn để biết hạnh phúc chẳng bao giờ hoàn hảo như ánh trăng trên bầu trời khi khuyết khi tròn. Tiếng dương cầm của người nhạc sĩ tài hoa gieo vào lòng cảm xúc về một tình yêu dành cho bầu trời đầy sao, ánh trăng soi dịu dàng, giọt sương mai trên cành lá thắm… Lại thấy lòng ta bỗng rưng rưng một nỗi niềm của hoài niệm, của xa xưa của những ngày chỉ có mình ta ngồi đợi trăng lên. Buồn như ánh đèn lập loè từ những ô cửa nhà hàng xóm còn thao thức.

Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài…

Nguyên Tú My

Cô đơn

Nhạc sĩ: Nguyễn Ánh 9 – Ca sĩ: Trần Thu Hà

http://www.youtube.com/watch?v=Hc7NZp0NaAg&feature=related


Read Full Post »

Tranh: Nguyễn Quốc Doanh

Em nhé, chiều nay ta sẽ đợi
Dưới gốc me già có lũ chim ri
Chưa lập xuân sao dáng đã xuân thì
Ta nắn nót viết tên em vào lá

Em nhé, chiều nay đừng đi quá
Qua hàng chè, bò bía, me chua
Ta chờ em suốt cả buổi trưa
Để trộm ngắm môi ăn hàng lúng liếng

Em nhé, ta bảo lòng đừng tiếc
Khói thuốc bay ta thả mãi lên trời
Lỡ em qua khói có vướng vào môi
Ta sẽ nhận – kẻ tội đồ xin chết!

Em nhé, cứ phạt ta cái nguýt
Mắt lá răm sắc lẻm dao cau
Bổ đời ta ba, bẩy miếng trầu
Đem dâng lễ cho ngày dạm ngõ

Em nhé, trống tan trường vừa đổ
Nén trong tim tiếng đập thình thình
Em đi qua nhưng chẳng một mình
Điếu thuốc trên tay bỗng vô duyên lạ

Buồn ngơ ngẩn khói thuốc tan vào lá
Ta ngô nghê nên giấu mối tình si
Chiều tương tư lặng lẽ quay đi
Rồi từ đó, ta trở thành người lớn.

Nguyên Tú My
 

Read Full Post »

Sống ở nước Mỹ đã lâu, hàng năm tôi vẫn tổ chức tiệc mừng ngày lễ Thanksgìving như một dịp để gia đình được ngồi lại với nhau trong không khí ấm áp những ngày cuối của mùa thu.

Thực đơn năm nào cũng vậy, ngoài những món ăn truyền thống của ngày lễ Thanksgiving như: gà tây, bắp, bánh bí ngô… Khoai lang là một món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của bữa tiệc gia đình. Đôi khi từ những món ăn chính ấy tôi lại biến đổi đôi chút cho thích hợp với khẩu vị Việt Nam như món bánh tôm khoai lang chiên mà mọi người trong gia đình đều thích. Nói đến khoai thì mỗi người chúng ta cũng chẳng ai xa lạ với món ăn dân dã ấy nhất là vào cái thời cả nước rơi vào cảnh khốn khó, nồi cơm luôn phải độn thêm vài củ khoai ăn kèm qua bữa.

Thật ra thời đó tôi không cảm nhận được sự khổ cực ấy vì có bao nhiêu nhọc nhằn thì cha mẹ, anh chị đã gánh hết cho tôi rồi. Nên giờ nói rằng ngày ấy tôi rất thích ăn khoai, không biết ngán thì thật là dấm dớ khó nghe. Nhưng làm sao tôi có thể từ chối được những củ khoai lang vỏ mỏng dính khi bẻ ra nhìn ruột khoai ửng lên màu cam đậm ngọt lừ đã thấy thèm.

Mẹ tôi đi chợ rất khéo. Món gì mẹ mua cũng ngon lành tươi tắn. Mẹ tôi thích khoai lang mật, củ nhỏ bằng hai ngón tay nhưng rất ngọt. Khoai lang mật ruột mềm dẻo nên tôi không thích bằng khoai lang bột, ruột bở hơn, cầm tay ăn xong vẫn thấy tay mình còn một lớp bột khoai vàng như phấn. Ngon nhất vẫn là khoai lang Lệ Cần, giống trồng ở Đà Lạt củ màu đỏ dài thuôn, ruột màu vàng ươm khi luộc lên ăn bở và có vị ngọt bùi. Chao ôi món ăn nhà nghèo ấy cứ đợi mẹ nấu cơm xong, đem vùi vài củ khoai vào đống tro bếp còn đỏ than đến khi lớp vỏ bên ngoài lên mùi khen khét của mật khoai là ăn được rồi. Nếu không háu ăn, còn có thể chờ đợi được bạn cứ ủ củ khoai ấy dưới lớp tro bếp âm ỉ nóng, sẽ càng ngon hơn đến khi đói lòng bất chợt bạn nhớ đến củ khoaì lùi bỏ quên trong bếp buổi chiều qua.

Mà lạ lắm đôi khi ăn khoai vào những ngày tiết trời se se lạnh, vừa ăn vừa thổi suýt soa hơi nóng từ củ khoai cầm trên tay bạn sẽ thấy ngon hơn, vị ngọt bùi hơn nhiều. Nếu bạn có dịp đến thành phố Đà Lạt, đi dạo trên phố chợ bắt gặp hàng khoai, bắp nướng ở bên đường toả mùi thơm ngon quyến rũ khách đi chơi đêm. Đừng ngại ngùng hãy ngồi xuống bên bếp lửa hồng reo tí tách kia mà chọn một củ khoai nướng thơm lừng, bẻ ra chấm mật ngọt lừ trong miệng, cảm giác thú vị ấy sẽ theo bạn đi suốt cả một ngày vui.

Nướng khoai cũng chỉ có khoai lang là ngon nhất. Ngoài ra các thứ khác như khoai mì hay khoai lang núi vỏ màu trắng ngà trong ruột cũng màu trắng sẽ không ngon được bằng. Loại khoai này đôi khi có vị hơi nhạt nước không được tôi thích bằng khoai Dương Ngọc màu tím. Có câu chuyện kể về nàng thôn nữ đảm đang, trồng được một loại khoai màu tím ngắt có vị ngọt bùi. Nàng dâng lên vua loại khoai lang tím đặc biệt ấy mà được vua thương yêu, sủng ái đón nàng về làm hoàng hậu và từ đó loại khoai lang tím được mang cái tên mỹ miều của người đẹp Dương Ngọc (điều này chứng minh cho cái định lý tình yêu: đường đi đến trái tim phải đi qua cái bao tử).

Chuyện cổ tích bao giờ cũng đẹp, cũng như kỷ niệm thơ ấu thường luôn ngọt ngào. Như bây giờ tôi bỗng chợt nhớ đến câu ca vè ngày xưa mẹ hay hát “Nằm ngoài ăn khoai chấm mật, nằm giữa ăn nửa đồng tiền, nằm trong con ong đốt mặt” mỗi khi anh em chúng tôi chí choé giành nhau một chỗ được nằm gần bên cha mẹ.

Nhớ lại thấy thương thật cái thưở hồn nhiên, chân chất như ngô như khoai ấy. Bạn đọc đến câu này đừng bảo tôi, sao kéo ví von. Vì khoai là một loại thức ăn hiền lành, lại mang nhiều bổ dưỡng cho cơ thể con người. Người nội trợ khéo tay có thể chế biến ra được thành nhiều món ăn ngon miệng khác nữa. Món ăn mà tôi ưa thích phải kể đến món mứt khoai vừa dễ làm, rẻ tiền mà ngon cũng không kém gì các món mứt đắt tiền khác. Ngày xuân đi chợ mua sắm quà tết, món mứt khoai không thể nào thiếu sót trong chiếc giỏ đi chợ. Đôi khi Tết chưa đến mà số mứt dự trữ đã hết sạch vì cái tính ăn vặt nhấm nháp như chuột nên cận kề ngày Tết lại phải chạy đi tìm mua thêm vài ba ký mứt cho đủ ba ngày tết mà đãi khách.

Nói đến đây chợt thấy nhớ quá cái cảnh ngày Tết nằm đong đưa trên võng tay cầm quyển sách, miệng nhâm nhi miếng mứt khoai ngọt bùi. Ừ, bây giờ nếu có muốn như vậy cũng làm được đấy có khó khăn gì đâu mà sao không có được cái cảm giác thú vị như ngày xưa ấy? Có phải vì thương, vì nhớ cái tình lưu luyến cảnh xưa chứ đâu phài đơn giản chỉ vì thương nhớ một miếng ăn ngon có vị ngọt bùi kia.

Nói gì thì nói, thương gì thì thương nhưng ta đây cũng kén lắm cho dù chỉ là khoai, là sắn. Nhất định không thể nào thương được mấy củ khoai hà, khoai sùng có mùi hôi hôi, hăng hắc mua từ cửa hàng hợp tác xã mà có một thời ai cũng phải nếm qua một lần trong đời. Vẫn nhớ đấy nhưng không thương được, không thương được…

Nguyên Tú My

Read Full Post »

Mồ yên, mả đẹp”. Chẳng phải vô cớ mà các cụ ngày xưa đã đặt niềm ao ước vào lúc cuối đời như vậy. Tôi nhớ trong một truyện ngắn nào đó của thời văn học tiền chiến đã được đọc, một bà cụ đến tuổi gần đất xa trời thú vui của cụ là ngồi nhìn ngắm, lau chùi bộ áo quan mua trước được đặt ở giữa nhà.

Câu chuyện như thế nào thì tôi quên, tác giả nào tôi cũng không nhớ rõ nhưng chi tiết miêu tả về bà cụ sung sướng, hạnh phúc bên cỗ áo quan cứ rờn rợn trong ký ức rất rõ ràng, dù ngày đó tôi chỉ là một đứa bé con chuyên đọc trộm sách người lớn. Bây giờ được đàng hoàng nằm vắt chân chữ ngũ đọc sách, không phải trốn dưới gầm bàn hay soi đèn pin nằm trong chăn thì không còn nhớ được tên truyện để tìm đọc lại.

Thật ra không phải vô cớ mà tôi nhớ đến câu chuyện cũ rích như thế. Chỉ tại sáng nay quờ quạng thế nào đọc phải cái tin cũ của Reuters nên ấm ức. Đó là chuyện bà quả phụ Elsie Poncher đang nỗ lực tìm bán cái hầm mộ của ông chồng quá cố để lấy tiền trả đứt món nợ căn nhà ở Beverly Hills của bà.

Ông Poncher mất năm 1986, tức là đã hơn hai mươi năm nay ông thường trú tại Westwood, một nghĩa trang nổi tiếng của nước Mỹ. Cứ tưởng đã mồ yên mả đẹp, cứ thế mà rest in peace. Mỗi sáng được nằm nướng mơ màng nghe Dean Martin hát La vie en rose, trưa đến được Carl Wilson dợt guitar rock ‘n’ roll để thể dục cái màng nhĩ, chiều chiều sàng qua ông bạn già Truman Capote làm cái double shot cà kê chuyện Breakfast at Tiffany’s. Và khi tối đến trăng lên, buồn chân lãng tử ta lại ghé thăm cô láng giềng Marilyn Monroe ở ngay tầng dưới để “nhìn” nàng hát… Happy Birthday(!)

Hàng xóm thế còn gì phải phàn nàn, vậy mà bà Poncher nỡ lòng rao bán căn hầm mộ rất tuyệt vời của ông trên eBay thật tệ hết sức! Chưa hết. Quyền công dân, tự do cư trú của ông càng bị vi phạm trầm trọng hơn nữa khi bà dự tính sẽ đem ông về… nằm cạnh bà trong tương lai. Nguy hiểm không thể tả! Cứ tưởng hơn hai mươi năm tình cũ thoát khỏi gông cùm phát xít thơ thới ra đi không hẹn ngày về. Sáng ra có quyền nằm phè bảnh mắt đến giờ Ngọ, có quyền xơi điểm tâm ngay trong quan tài mà không bị bắt phải chà răng trước. Quần áo Xuân Thu nhị kỳ, độc nhất một bộ veste chẳng cần thay đổi, chẳng cần đi tắm mà không đứa nào cự nự chê hôi. Cứ thế, ông thích đi đâu thì đi, ông muốn làm gì thì làm không phài viện đủ thứ lý do quanh co như kẹt xe trên xa lộ số 5 hay thằng bạn mới quen vừa chết. Đời như vậy thà… chết sướng hơn!

Bây giờ chả biết vì tham, vì sân, hay vì si mà bà nằng nặc đòi bán… mộ, lại mưu tính chuyện kẹp cổ lôi ông về bắt nằm ngay bên cạnh, bạn bè nhìn quanh chỉ có mỗi thằng Cuội già suốt đời nói dối chị Hằng. Đời như vậy, hỏi có đáng… chết hay không?

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ có đề cập đến nhân quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do, quyền sở hữu. Hai mươi năm trước ông Poncher đã sử dụng quyền sở hữu để có được hầm mộ này, ông xử dụng quyền tự do để nằm trong Westwood được la cà chén anh chén tôi với Truman, để nửa đêm có quyền gào khan cổ họng hát karaoke với Dean cho đến sáng mà không sợ (băng) đĩa bay. Thỉnh thoảng lại có quyền dắt Marilyn xinh đẹp đi uống café, tiện thể mời luôn cả cô hàng xóm Farrah Fawcett vừa mới dọn đến năm vừa rồi. Tối về vui vẻ thảnh thơi, chẳng phải rón rén sợ tiếng đằng hắng của đứa nào. Đường đường như một đấng trượng phu, ông có quyền leo ngay vào… hòm ngủ khì một giấc đến sáng (không cần rửa chân); không bị phiền nhiễu bởi tiếng gầm gừ, nghiến răng trèo trẹo của sư tử Beverly Hills.

Rõ khổ, thế đó! Một lần nữa quyền mưu cầu hạnh phúc của ông Poncher sắp bị xâm phạm tàn bạo! Nhưng ông cãi bằng cách nào đây, chẳng lẽ lại đốt vài tờ Tuyên Ngôn Độc Lập gửi xuống tuyền đài để làm bằng chứng cụ thể? Khi sống còn chưa cãi lại thì nói gì lúc đã chết rồi. Giờ chỉ còn cách đi mời một thầy cãi nổi tiếng nào đó ra hầu toà hộ thì may ra. Hình như Johnnie Cochran đang ở Inglewood được năm năm rồi thì phải?

Nguyên Tú My

La vie en rose

Written by Édith Piaf – Louis Gugliemi – Performed by Dean Martin

http://www.youtube.com/watch?v=IGzezc49A6s

Happy Birthday

Performed by Marilyn Monroe

http://www.youtube.com/watch?v=jfQtfw8U06g&feature=related

Read Full Post »

Mùa lá rụng

Bao năm trời ta đã xa quê
Nửa đêm thức giấc không còn nhớ
Người cũ tóc xanh hay đã yên nấm mộ
Giấc mộng chập chờn nửa tình, nửa mê

Bao năm trời ta bước dặm sơn khê
Cứ ngỡ lòng mình đã khô theo lá
Vô cớ giọt mưa xanh rơi giữa mùa thu lạ
Lá hồn nhiên bật khóc giữa đất trời

Mùa lá rụng, em ơi…

Ta chẳng còn gì ngoài kiếp sống đơn côi
Thân khô cằn bởi đời nhiều phiền não
Nhánh cây nghiêng phía nào cũng bão
Làm kiếp người khó vậy sao em?

Ta chẳng còn gì để nhớ, để quên
Tờ lịch cuối cùng đã rơi vào miền ký ức
Nơi có em thân hao gầy xanh rướt
Ngậm ngải thăm chồng phía nước độc rừng thiêng

Bạc cháy ao bùn, nhát cuốc cuồng điên
Mặt đất cằn khô, nát bàn tay mỏi
Cái nóng trưa nồng xác xơ cỏ dại
Ta chẳng còn gì để gửi lại cho em

Về đi em, về đi em…
Hong giọt nước mắt khô em giấu trong đôi mắt
Gánh con thơ, mẹ già chân chất
Em gánh cả cuộc đời đem buôn thúng bán bưng

Chiều mùa thu mùa lá rụng bên sông
Ta nhìn nhau qua bờ rào lặng lẽ
Gói muối xả em xao khô dành để
Ta cầm về chà xát cuộc đời mình

Gió trở mình đau nhức tâm linh
Hồn phiêu du lạc loài nơi xứ lạ
Nửa nhánh sông đời gẫy ngang chân rạ
Ta chẳng còn gì khi em đã bên trời

Cây phong đỏ ngoài kia còn chiếc lá chưa rơi
Buồn như mắt em lấm bụi đường đất đỏ
Chờ ta nhé, sẽ lau khô giòng lệ ứa
Từ khung cửa cao
Một chiếc lá lìa cành…

Em ơi… mùa lá rụng bên sông.

Nguyên Tú My

Một mình

Nhạc sĩ: Thanh Tùng – Ca sĩ: Mỹ Linh

http://www.youtube.com/watch?v=Wnvi71xN1jA&feature=related


Read Full Post »