Feeds:
Posts
Comments
snow 1
 
Có những buổi chiều không nắng tắt
Trôi vào đêm lay lắt giấc ngủ mơ
Chẳng phải vì trời đang mưa
Nên tình giấc thấy lòng bỗng nhớ
 
Có những buổi chiều hồn như pho tượng cổ
Buồn đóng rêu tím cả trăm năm
Ký ức mùa xưa chôn đến tận cùng
Chỉ còn tiếng chuông lan vỡ trong chiều gió
 
Bóng em về ngược phố tan tầm tuyết đổ
Tóc rối bời, mắt u uẩn chiều đông
Chiều thành phố không ngọn cỏ hiền lành
Màu hoàng hôn trắng không khoảng vắng
 
Có những buổi chiều em không tin là có thật
Thế giới vạn ngàn người sao chỉ thấy một mình em
Nhửng khuôn mặt người xưa nhập nhoạng nhớ quên
Ký ức buồn dâng cay xè lên mắt
 
Em bây giờ chẳng còn gì ngoài vết thương chưa lành lặn
Thời gian trôi chưa đủ xoá ký ức về nhau
Tuổi mười tám bên đời ngơ ngác mắt trong veo
Nào đâu biết đêm sâu dài đến thế
 
Tuyết nhẹ rơi vào bóng chiều như thể
Đem nỗi buồn gửi gấm giấc hoang vu
Ánh đèn màu lấp lánh bên ô cửa chung cư
Em chợt lặng.
Chiều cuối năm đã đến.
 
Nguyên Tú My

rieger begonia

Đôi khi tôi thấy mình khá hạnh phúc vì đôi ba điều rất đơn giản ở đâu đó quanh mình vô tình đem đến cho tôi những niềm vui nhẹ nhàng trong ngày. Gỉả sử như hoa cỏ. Ở nơi đây lại rất sẵn hoa mặc kệ mùa đông gió lùa se sắt cây cỏ héo khô héo quắt ngoài kia. Bước vào chợ vẫ có đủ loại hoa thơm cỏ lạ bầy đầy trên quầy để lựa chọn. Vằo ngày đông tôi thường mua những chậu hoa có sắc đỏ để giữ một chút ấm áp cho căn phòng khi thành phố trở mùa giá lạnh. Hết mùa Trạng Nguyên thắm tươi rực rỡ tôi lại lễ mễ ôm về toàn là Begonia có đủ màu sắc vàng tươi, hồng nhạt, cam vàng, đỏ thẫm… Loại hoa này cùng họ với nhà bí nên cành thô, lá to dầy nhưng hoa nở thành chùm, bông chi chít nhiều cánh nhìn như hoa hồng hay tường vi cánh mỏng.

begonia 

Tôi vẫn luôn trung thành nhất với Rieger Begonia màu đỏ vì màu sắc và mùi hương của nó. Đặt một chậu hoa trên bàn hay quanh nơi làm việc thường đem đến cảm giác bình yên ấm cúng trong mỗi sáng dậy sớm hay khi chiều về ánh mặt trời xuyên chênh chếch mái hiên khiến màu đỏ thắm của hoa càng trở nên ấm áp hơn nữa. Cánh hoa mỏng manh mềm mại trên nền lá xanh đậm rực lên một sắc đỏ đầy kiêu hãnh. Rồi đến khi đêm xuống cũng là sắc hoa rực rỡ ấy bỗng chợt đỏ thẫm, đẫm buồn như hoa kia cũng có một linh hồn một nỗi niềm cô đơn nào đó chờ sau một ngày hân hoan tỏa sắc đến khi đêm về mới thực là giây phút để sống cho riêng mình.

 

Yêu thế, nhưng tôi lại không thích ngắm hoa về đêm. Trong bóng đêm của sự tĩnh lặng chỉ thích hợp với những loại hoa trắng có huơng thơm như Lan, Quỳnh, Huệ… Ngồi dưới tàn cây có trăng khuya soi bóng lung linh, yên ắng chìm trong mùi hương Ngọc Lan, đặt vài bông hoa trắng muốt có những cánh mỏng thon dài lên chiếc đĩa sứ. Trong lúc ấy bàn tay mình ôm quanh chén mạn trà nóng ngan ngát hương ngâu, hương sen… hoặc cũng chẳng cần thêm một mùi hương nào nữa vì dù không nói ra nhưng tình hoa vẫn đậm đầy. Để một đêm trôi qua cùng hương hoa ngan ngát…

 

Nguyên Tú My

 

Dù biết rằng bạn không đọc được những dòng chữ này nhưng tôi vẫn muốn viết ra vì từ cái ngày bạn sồng sộc vác hai chậu Begonia đỏ choét đặt lên bàn rồi vội vã biến mất đến nay đã hơn hai tháng rồi mà hai chậu Begonia vẫn tươi rói đẹp rực rỡ. Vẻ đẹp của nó khiến tôi không thể mang cái bộ dạng cáu kỉnh thay đổi thất thường theo mùa của mình để vào nơi làm việc. Và thú thật, tôi đang nhớ bạn – người chỉ một lần vô tình nghe tôi trầm trồ trước bụi Begonia đang hào phóng nở hoa đỏ thắm trong một góc Gazebo mà người ta đã cố ý trồng cây cảnh hoa lá tạo thành một khoảng sân ngoài trời trong mái nhà kiếng. Lúc ấy tôi chỉ nghe bạn nói rằng: “Mùa đông đang đi qua…”

Tiếng xuân

sparrow

Tuyết tan. Cái lạnh vẫn âm thầm phủ đều trên những con đường đầy gió. Quanh những ngách. phố thiếu bóng người qua lại thong dong tản bộ trên đường. Trời lạnh và gió làm người ta ngại ngùng biết bao khi bước chân ra đường. Thực sự đông chưa qua. Cành cây lá khô vẫn chưa hé được chút mầm xuân vậy mà một sớm chiều về chợt thoáng bàng hoàng khi nghe tiếng chim hót réo rắt trên đầu ngọn cây.

 

Trên những cành khô trơ lá chim ở đâu kéo về đậu đầy kín cả trăm con lố nhố đốm tròn y như cành khô kia vừa ra trái giữa mùa đông vậy. Và chúng hót. Réo rắt, đồng nhịp, làm thành một dàn đồng ca tuyệt vời khiến người có đang ủ dột vì trời đông thiếu vắng sắc xuân cũng thấy lòng rộn ràng theo tiếng xuân đang đến.

 

sparrowsThiên nhiên diệu kỳ quá nó không gần gũi con người bằng những cái nắm tay, những lời nói, xúc cảm vồ vập… Thiên nhiên đến với người đơn sơ, bình lặng khi người biết mở lòng chân tình đón nhận nó. Và từ đấy, những tiếng chim hót ban mai, những đoá hoa chớm nụ, những góc phố hoàng hôn, những rặng cây rì rầm chia sẻ cùng người nỗi hư hao, niềm hạnh phúc của đời sống.

 

Trước đây vì yêu tiếng chim hót nên trong nhà tôi cũng có một đôi chim màu xanh biếc. Thỉnh thoảng tôi đóng kín cửa nhà rồi mở cửa lồng cho chúng tự do bay nhảy đôi chút. Khi ấy chúng cất tiếng hót, âm điệu réo rắt vui tươi khác hẳn khi bị nhốt ở trong lồng. Một buổi trưa mùa xuân tôi đem chiếc lồng chim ra sân mở cửa lồng. Đôi chim tung cánh bay lên ngọn cây hoa mận trắng hót réo rắt một hồi rồi bay đi mất. Tôi dõi nhìn theo cho đến khi đôi chim chỉ còn là đốm màu xanh nhạt dần sau rặng cây cao.

 

Tôi vẫn mở cửa lồng đặt thức ăn nước uống vào đó chờ đôi chim trở về nhưng không bao giờ tôi thấy chúng trở lại nữa chỉ có lũ chim se sẻ quen bén bóng người chui vào phá phách tỉa lông rỉa nước. Qua hết mùa hạ tôi cất chiếc lồng chim đi lòng thầm mong đôi chim tìm được nơi trú ẩn ấm áp bình yên.

 

Trong một thoáng hoàng hôn chênh chếch nắng chiều tôi mon men lại gần bụi cây gắng đừng làm động đến bầy chim đang hót trên cao vì tò mò muốn xem cây đã ra nụ xuân chưa. Loại hoa Forsythia này sẽ ra hoa khi trời bắt đầu ấm. Thường là vào tháng Tư là hoa vàng nở chi chít đầy cành trong vài tuần rồi thay lên lớp lá xanh mới cho đến thu sẽ tàn. Ở miền Đông người ta hay trồng Forsythia quanh nhà làm thành một hàng rào thiên nhiên. Đến mùa hoa nở màu vàng rực rỡ của nó cứ cuốn lấy bước chân khách bộ hành. Ấm áp lạ kỳ…

 

Tôi đã tím thấy vài nụ mầm chơm chớm từ các kẽ lá nhú ra rồi đấy. Thế là một mùa hoa vàng sắp đến. Miền Đông lại sắp vào xuân rồi bạn ạ!

 

Nguyên Tú My

Một chút cỏ hoa

hoa dao

Nôn nao chờ tết từ đêm rằm tháng Chạp, mở cửa là nhìn thấy ánh trăng tròn vằng vặc trên bầu trời cao. Thế mà hôm nay mới mùng Ba đã cảm thấy tết phai đi nhiều.

 

Những năm tháng thơ ấu tôi luôn xôn xao chờ tết vì sự quyến rũ của những bao lì xì đỏ chói và muôn vàn sắc màu hoa tết. Ngày tết tôi thường đi dạo quanh trong xóm để ngắm hoa tết trong sân nhà người. Hoa tết ngày ấy khá đơn giản khó tìm ra được những chậu hoa cầu kỳ to đẹp, bề thế như hoa tết bây giờ. Sài gòn vẫn còn nếp sống giản dị chưa đỏi hỏi sự mới lạ cầu kỳ nên hoa cỏ cũng chỉ quanh quẩn là cúc, mồng gà, thược dược, sao nhái… Nhà nào có sân có vườn ươm được cội mai vàng nở hoa đúng ngày tết thì cả xóm tấm tắc ghé xem. Nhà tôi có cội mai rất to, hoa đẹp nở chi chít đầy cành nhưng không vao giờ ba tôi cho cắt nhánh đem chưng bình cả.

 

Hoa tết chưng nhà thường là cúc vàng được cắm cầu kỳ với lá thủy trúc chưng trong chậu thủy tinh trong suốt màu hổ phách. Tôi thích lối cắm hoa kiểu Nhật, thanh mảnh và nghệ thuật chứ không phải như kiểu của anh nhà giàu lắm tiền sẵn bạc cứ ôm một bó to đùng nhét cho đầy bình rồi bào là đẹp. Có lẽ đó là tâm lý bị ám ảnh bởi một thời thiếu thốn nên thấy gì thừa mứa hoang phí lại không chịu được. Mà đúng vậy, một thời Sài Gòn chênh chao bởi thời cuộc, hoa lá là những thứ quá xa xỉ so với khoai độn, rau muống nên những người con gái Sài Gòn sống giữa hai thời cuộc như thế hệ của chị tôi vẫn tự tìm cách giữ riêng cho mình một nề nếp, phong cách của những người trí thức Sài Gòn lạc thời, lạc vận.

 

Các cô gái Sài Gòn yêu gì hơn hoa trong ngày tết. Thế nên hoa tươi không có thì các cô làm hoa giả thay thế vậy. Tôi nhớ bụi Lavender tím ngắt chưng ở góc phòng đã làm nhiều người trầm trồ vì đẹp như thật. Vạt hoa cánh bướm đủ màu rũ cánh trên chiếc tủ kiếng có hai con búp bê biết đi cao bằng tôi mà anh cả đã kỳ công vác từ Mỹ về cho em gái. Giàn hoa bìm bìm tím thả rơi những cánh lá mỏng mảnh bám trên tường… Vào những ngày nắng, những đêm trăng tôi nằm trên ghế salon nhìn qua khung cửa kính rộng ngắm ánh sáng chập chờn qua kẽ lá làm thành những đốm sáng lung lình huyền diệu vờn lên tường. Đôi khi tôi ngủ thiếp đi trong cảm giác thanh thản nhẹ nhàng giữa thế gìới hoa cỏ nhỏ bé của gian phòng khách ngày xưa ấy.

 

Bây giờ nhắc lại không biết chị tôi có còn nhớ đến những bụi hoa ngày cũ ấy không nhưng tôi biết chắc chắn không thể nào chị quên được cành hoa anh đào rất to của một người đã cất công tự lái xe từ Đà Lạt đem về tặng chị trước ngày ba mươi tết. Sống ở Sài Gòn chỉ nhìn thấy hoa mai là chính nên cành đào Đà Lạt chi chít đầy những nụ hoa hồng thắm với lớp lá xanh non mềm mại như đem cả hương sắc của một trời phố núi về thành đã mê hoặc tôi ngay từ phút đầu tiên. Và dĩ nhiên chủ nhân của nó cũng dễ dàng chiếm được cảm tình của tôi bằng một gói kẹo thật to đi kèm sau đó!

 

Cành hoa đào ấy vẫn ở lại trong góc phòng từ mùa tết năm ấy. Tôi lớn lên lại thay chị làm những cánh hoa đào giả gắn lên cây mỗi lần tết đến. Khách đến nhà tôi thường hay đùa, cành đào nhà tôi nở hoa suốt năm. Riêng tôi mỗi khi nhìn đến cành đào tôi như bắt gặp đâu đó đôi má ửng hồng như con gái Đà Lạt của chị trên những cánh hoa đào của một mùa xuân năm nào. Những cánh hoa e ấp thơ ngây và dịu dàng quá đỗi.

 

Một mùa xuân nữa đang đi qua các cô gái Sài Gòn có còn nhớ gì về một thời cỏ hoa ngày ấy hay không?

 

Nguyên Tú My

Tết xưa

tết

Đấy là khi mẹ xếp bộ mũ áo vàng mã lên bàn thờ rồi cẩn thận thả con cá chép sống vào chiếc chậu nhỏ để tiễn ông Công, ông Táo về trời thì từ đó đã thấy hơi hướm Tết đang về rất gần rồi đó.

 Những ngày này rảo bước quanh xóm nhìn bếp nhà ai cũng bận rộn chuẩn bị các món ngon ngày tết. Nhà nghèo mấy cũng phải có được đòn bánh tét, gói mứt dừa, nồi thịt kho, dưa hành dưa món để đón tết. Hàng xóm cạnh nhà đông con gái, các cô rất khéo tay nên ngày tết là dịp để trổ tài bếp núc, mỗi khi biết ở đâu có hàng tết ngon và rẻ lại tíu tít gọi qua nhà tôi rủ đi mua sắm rồi về nhà lại tất bật vào bếp nấu nấu nướng nướng y như bị… Tết đầy!

 Mái bếp nhà tôi rất rộng tiện lợi cho việc phơi nắng rau củ. Hàng xóm thường đem qua gửi nhờ khay mứt vừa sên đường xong hay nong củ kiệu, bó dưa hành. Tôi nhớ ngày xưa mỗi khi muối dưa cải mẹ tôi luôn đem phơi nắng cho dưa muối được giòn. Ở xứ tôi mùa tết cũng là mùa đông nên chẳng bao giờ tôi phơi dưa cả. Thế mà hũ dưa tôi muối chỉ cần ba ngày là nhai giòn rụm và chua sái quai hàm!

 Ẩm thực dân ta tinh tế lắm. Các món dưa cải, kiệu muối chua, dưa món ăn kèm với bánh chưng, thịt kho béo ngậy sẽ làm tăng rất nhiều hương vị của món ăn ngày tết.

 Nhớ thời ông tôi còn sống, sau 23 Tết mẹ tôi đã lo sửa soạn gạo nếp, đậu xanh chất đầy kệ để gói bánh chưng. Trong nhà tôi việc gói bánh luôn do đàn ông đảm nhận, sau này tôi mới biết gói bánh cần phải cứng tay buộc lạt bánh mới vuông chắc. Phụ nữ tay chân ẻo lả nên chỉ chạy vòng ngoài đãi đậu, lau lá… Riêng việc chẻ lạt phải chờ đến ông tôi mới xong việc. Bây giờ trong đầu tôi vẫn rõ như in hình ảnh ông nội râu tóc bạc phơ ngồi trên tấm ván trong nhà bếp tỉ mỉ chẻ từng cọng lạt mỏng tanh trắng muốt xếp đầy quanh người. Thỉnh thoảng ông ngừng tay châm điếu, hít sâu một hơi thuốc lào rồi nhả ra những vụm khói tròn để cho tôi lấy tay đập vỡ.

 Khi ông mất nhà tôi ngưng gói bánh chưng ngày tết dể đến vài năm. Tuổi tác lớn dần tôi mới nghiệm ra rằng đời sống người già thì quá mong manh nhưng lại chính là mối dây bền chặt trong quan hệ gia đình. Tôi không còn trong tuổi bé bỏng vô tư suốt ngày bám áo ông ăn dụ mứt kẹo nên tôi hiểu ba tôi, bác tôi, chú tôi đã chao đảo đau đớn như thế nào sau ngày ông mất. Dù không muốn nghĩ đến nhưng trong lòng tôi vẫn luôn có một nỗi lo sợ ngấm ngầm trước những mất mát sẽ xảy ra trong gia đình. Khi ấy biết đổi bao nhiêu thương nhớ cho vừa những nguôi ngoai để mà sống tiếp?

 Nhắc lại chuyện cũ đôi khi ngỡ như mới đâu đây vẫn còn là con bé con đêm ba mươi tết ngồi chong mắt chống cơn buồn ngủ chờ chị may xong chiếc áo dài tơ hồng đầu tiên trong đời. Nôn nao chờ sáng mồng Một mặc chiếc áo mới còn thơm mùi vải cùng cô bạn hàng xóm cũng xúng xính trong chiếc áo gấm xanh dắt tay nhau đi… vòng vòng quanh xóm! Mỏi chán chê hai đứa rủ nhau leo lên cái chòi canh bỏ hoang, bắc chước người lớn ngồi khem khép tà áo dài rồi… gân cổ “gào” lên từ bản nhạc xuân này đến bản nhạc xuân kia.

 Giữa khoảng nắng gió lùa nhau ở ven đường hai đứa trẻ ăm ắp niềm vui hồn nhiên rất đỗi thiên thần về một tà áo mới, về một mùa xuân duyên dáng yên bình.

 Xin cho em một chiếc áo dài

Cho em đi mùa xuân tới rồi…

 Sau này nghe lại Tuổi mộng mơ, Tuổi ngọc… mà lòng thầm phục ông nhạc sĩ Phạm Duy quả là tài. Nói chuyện bạn bảo, có gì đâu khó thì từ cô con gái rượu Thái Hiền đấy thôi. Tôi lại không nghĩ đơn giản vậy. Phải là người sâu sắc tinh tế lắm mới nhận ra được những mơ ước thầm kín của các cô bé mới lớn chính xác đến vậy để viết nên dòng nhạc Nữ ca dành cho tuổi mới lớn thật tuyệt vời.

 Dù biết cái thưở xôn xao thơ ngây ấy không còn nữa nhưng cái tết của ký ức vẫn cứ đến khi nhìn lên quyển lịch Tây mà nhẩm đếm lùi dần từng ngày Ta đến khi bật ra một tiếng Tết quen thuộc và cũng rất xa xôi này. Âm vang ấy có gì mà níu kéo đến vậy? Điều đó có gọi là cội rễ của riêng mình hay không? Mà thôi đừng tự vấn mình nữa vì Tết đang đến rất gần rồi đó. Cầu mong một năm mới an lành đến với mọi nhà.

Chúc mừng năm mới. 

 

Nguyên Tú My

Cánh thiệp đầu xuân

Nhạc sĩ: Minh Kỳ-Lê Dinh .

Ca sĩ: Như Quỳnh

pham duy

Dạo đó mỗi độ đêm về giấc ngủ của tôi luôn chìm sâu trong tiếng nhạc mênh mang ở đâu đó quanh tôi.

Từ chiếc radio Thái Thanh luôn mở đầu cho một đêm Sài Gòn bằng câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” để cho những Hà Nội, Huế, Cần Thơ… mà không phải là Sài Gòn trở thành một nỗi nhớ nhà, nhớ quê đến quay quắt. Đứa trẻ con là tôi, sinh ra ở Sài Gòn nên vẫn nhận Sài Gòn là đất quê của mình. Nỗi thương nhớ về miền đất xa xôi ở mãi phương Bắc tôi chỉ biết được qua những lời kể pha đầy nỗi ngậm ngùi của người lớn.

Bạn thân mến, đừng trách tôi khi cứ kéo mình đi giật lùi về cái quá khứ của đứa bé con bẩy, tám tuổi ngày ấy. Một cái quá khứ rất xa rồi sau đó lại dẫn dắt đến ngay cái cột mốc chia lìa của đất nước mà mỗi chúng ta khi nhớ đến lại rất đau lòng.

Thế nên tôi cũng chẳng biết kể gì với bạn trong lúc đêm về như đêm nay ngồi nghe đi nghe lại một bài hát ưa thích. Từ lâu tôi đã thích bài hát này bời giai điệu chậm rãi, thong thả như một tiếng thì thầm về những gì dang dở đã rời xa. Và nếu được nghe trong đêm qua tiếng hát Lệ Thu, thêm một chút trăng bồng bềnh trên cao có lẽ chúng ta khó tránh khỏi cảm xúc chênh vênh bởi nỗi chia lìa.

Nghìn trùng xa cách… người đã đi rồi…

Căn gác nhỏ. Ánh trăng lung linh ngoài cửa sổ. Ấu thơ tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya trong tiếng nhạc bồng bềnh từ chiếc máy cassette của một người lớn nào đó trong nhà cũng đang tìm cách ru giấc ngủ muộn. Cuốn băng nhạc Phạm Duy này tôi đã được nghe đi nghe lại phát mòn đến thuộc từng câu, từng chữ của tất cả các bài hát ấy. Tôi bé con con đã từng làm người lớn tròn mắt vì có thể nói vanh vách tên bài hát của nhạc sĩ nào. Và tôi luôn là kẻ thắng cuộc trong trò chơi nhận giọng hát của các ca sĩ Sài Gòn thời ấy.

Thật ra không khó để nhận ra một giọng hát của các ca sĩ Sài Gòn. Mỗi người như một loài hoa mang hương sắc riêng biệt của chính mình. Họ không có cái lơ lớ pha trộn đầy vẻ nhốn nháo như các ca sĩ thời nay. Từ một Thái Thanh âm sắc cao vút đến một Khánh Ly u ẩn trầm uất. Từ một Anh Ngọc sang trọng nồng ấm đến một Chế Linh buồn bã yếu đuối… Thế hệ của những người ca sĩ Sài Gòn ngày ấy đã làm nhẹ đi bao nỗi buồn thương của một thời loạn lạc.

Thế nên bài hát bạn vừa gửi cùng tin báo về sự ra đi của người nhạc sĩ lão thành đã gây cho tôi một nỗi tiếc nuối khó nói thành lời bởi những mâu thuẫn của thời cuộc. Trong lúc này tôi chỉ muốn đơn thuần là đứa bé con của Sài Gòn ngày nào để lắng mình trong một khoảng lặng thuần túy những giai điệu âm nhạc mượt mà của một người nhạc sĩ tài hoa. Là một áo trắng học trò “Ngày xưa Hoàng thị”. Là tha thiết yêu đương cùng “Phượng yêu”. Là tình yêu quê hương đất nước của “Tình ca”… còn nhiều nhiều nữa để cuối cùng là “Nghìn trùng xa cách”.

Nghìn trùng xa cách… người cuối chân trời…

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười.

Ở nơi đây đang lặng lẽ mưa rơi, bạn ạ.

 

Nguyên Tú My

 

Nghìn trùng xa cách
 
Nhạc sĩ: Phạm Duy – Ca sĩ: Lệ Thu

 

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=NBSKP6KBnV

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho ngườị..
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời khóc, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Ðường ta đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho ngườị..
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho ngườị

banh chung

Những ngày gần tết lại thèm bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… toàn những thứ người ăn kiêng chỉ nhìn thôi đã lắc đầu quầy quậy. Nói chi người lớn đến tuổi phải kiêng kem các loại mỡ muối, gạo đường. Nhìn bọn trẻ con mới tí tuổi đầu đã rón rén gẩy từng ra từng lớp mỡ, lớp bì lại vừa nhớ, vừa thương cho cái tuổi trẻ thiếu thốn của mình và cả cho sự thừa thãi đầy đủ của chúng nữa.

Sống lại khoảnh khắc mấy mươi năm về trước. Từ đầu tháng Chạp đã thấy giỏ đi chợ của mẹ về thường có thêm các gói giấy to miến, nếp, đậu xanh, bánh tráng… Các loại thức ăn khô này được mẹ đóng gói cẩn thận rồi treo lên cao tránh ẩm hay cất trong chạn bếp phòng lũ chuột háu đói.

À, nhắc đến cái chạn. Loại tủ này bây giờ gần như tuyệt tích hẳn trong các gian bếp thành phố ở xứ ta. Có lẽ so với tất cả các loại tủ trong nhà, cái chạn là chiếc tủ đầu tiên để tôi tò mò khám phá nên đến giờ vẫn nhớ rõ như in ở trong đầu màu sắc cũng như hình dáng của nó.

Căn bếp nhà tôi rất rộng. Sát vách với nhà trên được ngăn thành buồng nhỏ cho bác giúp việc. Cái chạn ngay cạnh đấy bằng gỗ sơn màu xanh lá cây có những mắt lưới nhỏ li ti. Bác giúp việc gốc người miền biển chỉ ăn cá không ăn thịt. Nồi cá kho của bác lúc nào cũng nằm chễm chệ ngay tầm mắt mỗi khi tôi tò mò dí mũi nhìn vào chạn. Ngày ấy tôi bé lắm nếu muốn mở cánh cửa phải nhón chân lên vặn cái khoá bằng gỗ chắn ngang. Mở ra được rồi đủ thứ mùi xộc ngay vào mũi. Mùi dưa chua, mùi nước mắm, dầu mỡ, tương chao, dấm mẻ… tất cả những thứ ấy được đặt ngay ngăn giáp cuối nên đứa lùn như tôi chỉ thấy được toàn những hũ vại, chai lọ lủng củng. Ngăn giữa thường mẹ cất thức ăn đã nấu chín còn trên cao dành cho các món cao cấp hơn như đường, sữa, bột ngọt…

Chỉ có thế thôi nhưng cái chạn như một thế giới mới mà tôi là Kha Luân Bố lạc vào. Đôi khi đang chui đầu lục lọi các loại chai lọ kỳ bí kia thì bị bác nắm đầu lôi ra mắng bằng cái giọng miền Trung nằng nặng: “Đừng phé!”

Sau này chúng tôi lớn dần, bác ấy không còn làm nữa. Cái chạn được dời sang chắn ngang cái cửa sổ song sắt từ nhà trên nhìn xuống bếp. Đúng là vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, một mình mẹ tôi đâu còn sức để canh lũ con phá như quỷ sứ ấy. Chờ khi mẹ đi chợ, đó là lúc chúng tôi tung hoành trong gian bếp. Ngăn cuối cùng của cái chạn to nhất, sâu nhất và đặc biệt còn có cánh cửa riêng là nơi ẩn nấp tuyệt vời của trò chơi trốn tìm. Được vài lần lũ con nít trong nhà biết mánh hết nên chỉ lừa được vài ma mới bên ngoài. Nhờ thế cái chạn cũng thoát được cảnh đạp đổ chai nước mắm hay hũ đường bể tung toé.

Sau tuổi mười hai, hết thời làm con nít nghịch phá tôi phải tập làm quen với gian bếp, cái chạn theo cách của một người lớn là thỉnh thoảng phải lôi hết các thứ chai lọ ra lau chùi tủ. Đến thời ấy nhà nghèo, cái chạn cũng nghèo theo hiếm hoi lắm mới thấy thức ăn thừa còn sót lại ở ngăn giữa. Chỉ trừ những ngày mấp mé tháng Giêng ta, cái chạn lại đầy ắp các món ăn tết của mẹ. Củ cải ngâm nước mắm dấm đường ăn với bánh chưng. Củ kiệu trắng nõn đưa cay cùng gìò thủ. Dưa hành muối ăn kèm thịt kho trứng. Món nào thức nấy, đúng mùi đúng vị cứ như nếu thiếu một thứ thì không phải là Tết nữa.

Trời miền Nam vào mùa tết nắng vừa đủ để làm khô các mâm rau củ muối. Đi ngang qua sân nhà nào cũng thấy vài ba mâm không mứt thì kiệu, thì dưa… Nhiều nhà còn có sáng kiến đem các khay lên nóc nhà phơi nắng vừa sạch vừa đỡ lo gà bới, chó khèo, con nít vấp đổ. Chỉ có giống mèo hay đi rong tính lại tò mò thèm ăn vụng gặp gì cũng ghé qua hít ngửi. Cũng may chỉ toàn rau củ mùi hăng hắc nồng nên chúng lại cắp đuôi đủng đỉnh bỏ đi.

Chị lớn trong nhà tôi rất đảm đang và khéo tay làm bếp. Từ giữa tháng Chạp chị đã bày biện ra đủ loại bánh mứt để dành cho ngày Tết. Mứt tầm ruột, mứt dừa, mứt khoai, bánh quế… qua tay chị là thơm ngon đẹp mắt. Tôi sợ nhất là món mứt quất vì sự tỉ mẩn của nó. Cứ như bà mẹ chồng khó tính nào bầy ra món này để thử tài con dâu vậy.

 

mut quatNhiêu khê đã bắt đầu từ khâu đi mua quất rồi. Phải chọn lựa từng trái một to đều nhau, tròn tươi nhưng không được chín quá. Bởi thế người đi mua quất làm mứt thường phải chịu giá cao hơn đôi chút mới chọn đuợc một rổ quất đẹp ưng ý. Công đoạn gọt vỏ thật lắm công phu rất cần đến bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Này nhé, một tay nương nhẹ quả quất, tay kia cầm thanh tre đầu quấn lưỡi dao lam thật bén gượng nhẹ lớp vỏ mỏng bên ngoài mà không được chạm vào ruột trái quất. Rồi chần nước nóng. Rồi lại tỉ mẩn vắt nước, tách hột cho khéo mà không làm bể quả quất. Rồi ngâm nước vôi trong. Đến khâu sên đường lửa nhẹ liu riu, nóng nảy vội vàng bao nhiêu công sức sẽ hỏng cả. Ôi con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu làm xong khay mứt đứng lên cứ đấm vào lưng nhau bồm bộp như bà lão tám mươi. Bởi thế ngày tết đến nhà ai nhìn những quả mứt quất vàng rượm trong khay khiến một đứa háu ăn như tôi dù thèm lắm cái vị chua chua, ngọt ngọt ấy cũng không dám đưa tay bốc. Nghĩ đến cái công của người nội trợ đảm đang chịu thương chịu khó đành thở dài, thôi để chưng cho đẹp!

 

Tết bây giờ đầy đủ thoải mái hơn nhiều, đi chợ Tết choáng mắt vì hàng hoá ê hề đủ loại. Ngay cả nơi tôi ở gia đình người Việt chắc chỉ đếm đủ đầu bàn tay nhưng nếu chịu khó lái xe đi xa khoảng hai mươi cây số sẽ tìm được một tiệm tạp hoá Việt Nam có khá đủ các loại thực phẩm ngày Tết. Rất tiện cho người nội trợ bận rộn có ít thời gian nhưng sao lòng vẫn cứ thương thương nhớ nhớ về một thời tất tả đón Tết xưa kia. Cực mà vui, có phải không?

 

Ừ thôi, đợi đến gần 23 Tết sẽ đi rước về cặp bánh chưng, hũ củ kiệu để vừa cúng ông Táo vừa lai rai chờ Tết ta đến vậy. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà. Ngày mai mình sẽ bảo với Xếp như thế. Chịu không thì chớ!

 

Nguyên Tú My

Tuyết đầu năm

snow

Đất miền Đông đến mùa này âm u lạnh. Lần đầu tới đây nhìn thấy tuyết cứ reo lên như trẻ được quà. Khổ nỗi, quà này không phải quà hiếm nên mỗi năm ông trời cứ tặng cho vài quả đến kinh thiên động địa. Hơn hai mươi năm sống ở miền đông bây giờ nhìn thấy đất trời ngả màu trắng xoá tự nhiên lè lưỡi! Cũng may thánh nhân đãi kẻ khù khờ, thành phố tôi ở lại là nơi thời tiết khá nhẹ nhàng ít khắc nghiệt nhất so với mọi nơi khác. Có lẽ vì nằm kín trong một eo biển hẹp khuất với bão táp mưa sa nên dù rằng trời đang đông người ta vẫn nhởn nhơ lang thang trên phố chẳng có vẻ gì ủ dột cả.

Hàng cây lá khô chìm trong lớp tuyết nhẹ lất phất rơi. Trên đường đi có những đứa trẻ con hai má hổng ửng vừa đi vừa ngửa mặt lên trời đón những bông tuyết li ti rơi vào miệng rồi cười vang thích thú. Tận hưởng niềm vui từ thiên nhiên đâu phải chỉ dành riêng cho trẻ con. Trời đất bao la cho tất cả mọi người. Chẳng thể vui vầy vào lúc này cũng chớ bỏ quên trong lúc khác. Đời người có bao lần được nhìn tuyết rơi?

Thế là lại thấy mình khăn quàng áo ấm bước ra đường. Ngắm nhìn người đi trên phố tôi cảm thấy có một điều gì rất “miền đông” ở quanh đây nếu bỏ ra một chút thời gian lang thang để cảm cái lạnh se se ấy. Một chút cô độc, một chút buồn bã rất… hữu tình đủ để cho lòng người chợt lắng về những nỗi niềm rất riêng. Đất trời rét mướt còn gì thú hơn nếu sà vào một quán café ở bên đường ngồi nhâm nhi một ly gì nóng nóng cầm ấm đôi tay giá lạnh. Nhà quê như tôi không uống café, vào quán chỉ là kiếm cớ mua một chổ ngồi, chỉ để ngửi mùi thơm nhẹ nhẹ từ chất nước sánh nâu và mùi bánh ngọt mới nướng thơm lừng, và nếu may mắn có được một người bạn cùng ngồi để nói với nhau dăm ba câu chuyện đời cũng đủ thích rồi. Đoạn đường của tuổi trung niên ngày càng đơn giản hẳn đi. Cảm giác day dứt khi nhớ về chuyện xưa, tuổi xưa không còn quay quắt như trước nữa. Ký ức đã trở thành một dòng nhớ vừa xôn xao vừa êm ả. Lòng nhẹ nhàng đến mức chẳng buồn nghĩ mình đã mất đi bao nhiêu phần của cuộc đời để nhận được phần sống bình yên này.

Tuyết đang rơi trắng quá. Màu trắng vừa se sắt lại quá đỗi dịu dàng ví như nỗi niềm của người thiếu phụ cứ lắng sâu không bao giờ tỏ. Thì đấy cũng như tôi đang ở đây tơ tưởng về một cái Tết từ một miền nắng đẹp. Ở đấy tất cả khác hẳn với nơi tôi đang sống. Mấy năm trước có vài lần trở về đón cái Tết ở quê nhà được ăn những món ngon hợp vị, được nhìn ngắm cơ man là hoa xuân khoe sắc trong chợ, trên đường cứ tưởng thế là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng sao lòng vẫn quay quắt khi nhìn về một phía của xã hội hào nhoáng như một lớp son tạm bợ.

Đó không phải là mùa xuân của hai mươi năm, ba mươi năm về trước và xa hơn thế nữa. Ngày đó có những mùa xuân thiếu nữ thiếu thốn mọi bề mà má vẫn rừng rực ánh hồng. Đi dạo phố mùa xuân không cần đeo khẩu trang kín mít, đầu đội mũ nồi, chạy xe lấn lên nhau từng phân một. Ngày đó người ta có thể nhìn nhau chỉ bằng một chạm mắt để rồi cứ dấm dẳng theo bước chân nhau về đến tận nhà. Kể lại chuyện này cho lũ trẻ, chúng phá lên cười: “Eo ơi, khiếp quá!” Cũng phải thôi, thời nay khăn che ngang mặt như sát thủ Ninja đến mắt còn không nhìn thẳng được vào nhau thì sao hiểu được lòng?

Thế nên bơ vơ lắm dù rằng đang đứng trong lòng đất mẹ. Đất xưa của mình giờ đã khác. Đứa con tha hương trở về cố bám víu lấy những mảnh nhớ còn sót lại đâu đó của ký ức ngày xưa để rồi ngậm ngùi hiểu rằng trên bước thiên di của cuộc đời, mảnh đất tưởng rằng tạm bợ xa lạ đang nuôi ta sống lại chính là nơi ta tìm được sự bình yên.

 
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi…
(Tống biệt – Tản Đà)
 
 
Nguyên Tú My

Cúc Vạn Thọ

cuc van tho 1

Cứ tường mình là người thơ mộng lắm, biết yêu hoa dại cỏ hèn, chẳng hề biết từ khước thân phận của chúng dù được nâng niu chăm bón trong vườn hoa chậu khiểng hay mọc dại vật vờ nơi sau hè bụi cỏ. Cho tới khi sống ở một nơi xa lắc với tuổi thơ. Cho tới khi những bông hoa tuyết đầu mùa rơi xuống báo hiệu cho một mùa đông giá lạnh bắt đầu thì mùi hương và màu sắc của bó hoa ngày xưa lại nở bung đan kín trong ký ức.

Cúc Vạn Thọ. Nghe cái tên thôi đã cảm thấy… già rồi nên nơi chưng bày thường ở trên bàn thờ. Hồi còn nhỏ xíu tôi đã biết chê ỏng, chê eo loại hoa này rồì. Không thích màu vàng sẫm của nó chỉ nhìn thôi đã nhớ đến nhà chùa. Thêm nữa hương hoa Vạn Thọ nồng đậm, thoang thoảng thì thơm lại gần mùi gắt lắm. Ngày xưa mẹ hay mua Vạn Thọ về chưng bàn thờ. Trong không gian mờ mịt hương khói âm u của chiếc bàn thờ, lẫn khuất những tấm hình trắng đen cũ kỹ của ông sơ bà cố. Hoa Vạn thọ hiện diện như một nét lưu cữu, một níu kéo buồn bã giữa quá khứ và hiện tại nên ký ức về Vạn Thọ trong tôi vẫn luôn là một điều kỳ bí.

Được một điều hoa Vạn thọ sống dai hơn các loại hoa cúc xinh đẹp khác. Tôi vẫn thường dõi mắt thăm dò xem bao lâu cúc sẽ tàn nhưng chẳng bao giờ tôi nhìn thấy chúng héo uá cả. Đến khi tôi quên bẵng đi thì lại thấy mẹ về chợ với bó hoa tươi mới còn nguyên cả rễ nằm trong giỏ nên lúc nào ký ức về cúc Vạn Thọ cũng tươi roi rói trong tâm tưởng. Có lẽ đó là một loại hoa duy nhất tôi chưa hề chạm tay vào hay bỏ thời gian nhìn ngắm dù đã được trông thấy rất nhiều lần. Cố gắng lắm cũng chỉ có thể tả với bạn rẳng, bông tròn màu vàng đậm, cánh hoa đan dày. Hời hợt đến độ cái nhành lá của nó tôi cũng khống nhớ được hình dạng ra sao chỉ nhớ mùi cây hăng hắc mỗi khi mẹ cắt rễ chưng bông. Bây giờ có ai chơi ác bắt làm bài văn tả cúc Vạn Thọ chắng trớt quớt quá!

Nhưng hình như không phải thế. Tôi đã được một lần nhìn thấy những vạt cúc Vạn Thọ nở hoa trong vườn nhà người trong một chuyến đi về miền quê vào ngày tết. Khi xe đi trên đường tôi thấy thấp thoáng từng cụm hoa vàng khắp nơi. Tôi đã ngạc nhiên sao chỉ là hoa Vạn Thọ nhiều đến thế. Sau này tôi mới biết ở miền quê người ta thường trồng Vạn Thọ để đón tết. Đây là một loại hoa dễ trồng không kén công chăm bón. Gieo hạt từ cuối tháng Chín Âm lịch đến rằm tháng Chạp là hoa hé nụ. Sẵn bông chưng tết đón xuân lại được hưởng một mùi thơm trong lành từ hoa lá hỏi sao người ta không tha thiết?

Tỉnh lỵ vào mùa tết không có không khí chộn rộn ồn ào như Sài Gòn. Đến cả cái vui cũng đằm đằm nhẹ nhẹ, rất hiền. Chỉ bước lên một chuyến phà đưa qua con sông lớn tôi đã có cái cảm nhận rất rõ về sự trôi của thời gian. Điều mà có lẽ những thị dân như tôi đã không nhận ra được bởi vòng xoáy của đời sống tất bật. Trong khoảng không nắng và gió đầy đủ cho những hàng cây xanh bồng bềnh củng mây trời tôi dừng lại bên một vạt cúc Vạn Thọ hiện diện hồn hậu trước sân một ngôi nhà cổ. Vạt cúc tròn đều nở hoa vàng sẫm cả một mảnh sân. Lẫn trong nắng xuân dìu dịu. Lẫn trong mái ngói nâu trầm. Lẫn trong nỗi niềm bâng khuâng của một người sắp rời xa quê hương mà không biết được ngày trở lại. Hương hoa Vạn thọ lan toả trong không gian vương vất mùi thơm pháo tết. Chỉ là một giây phút tình cờ nhưng hương sắc Vạn Thọ đi theo tôi mãi dù đã rời xa…

Nguyên Tú My

Tấm hình này làm tôi xao xuyến biết bao. Người mẹ, đứa trẻ và hoa… Có gì đẹp hơn nữa. 

cuc van tho

Chiều cuối năm

Chiều cuối năm
Cửa sổ xanh, ngoài sân tuyết trắng
Nghe gió đông về
Nhớ quá nụ tầm xuân
Ở một nơi xa lắm
Lúc nào trời cũng nắng
Để mẹ kịp phơi dần lớp dưa kiệu cuối năm
 
Chiều cuối năm
Mái tóc xanh, cột cao không vướng mắt
Xếp lá dong gói bánh chưng xanh
Mẹ nhắc khẽ
Con gái ơi
Đừng quên nồi mứt quất
Lỡ cháy khê lại khóc hết năm canh
 
Chiều cuối năm
Lò sưởi xanh, thấy lòng vẫn lạnh
Nhớ bếp than hồng
Đêm thức trông bánh chưng khuya
Lửa tí tách
Làm tay em nóng
Để bàn tay ai nắm vội thổi xuýt xoa
 
Chiều cuối năm
Cành thông xanh, nhớ màu hoa cúc
Nhớ áo lụa vàng, ươm màu nắng trên sân
Dây pháo đỏ cha vừa treo trước ngõ
Chờ đến giao thừa
Hoa pháo rải khắp sân
 
Chiều cuối năm
Kỷ niệm xanh, nhớ chiều xuân cũ
Nhớ đĩa hạt dưa làm thắm đỏ môi em
Áo lụa mượt mà chào mẹ, em ra phố
Phố chiều cuối năm hương lộng gió mùa xuân
 
Chiều cuối năm
Quê hương xanh, biết mình lạc lối
Xa có vài năm mà ngỡ cả một kiếp người
Chàng Từ Thức trở về
Ngõ xưa quên lối
Bước đến ngõ nào cũng thấy lẻ loi…
 
Nguyên Tú My