Feeds:
Posts
Comments

Archive for the ‘Saigon’ Category

pham duy

Dạo đó mỗi độ đêm về giấc ngủ của tôi luôn chìm sâu trong tiếng nhạc mênh mang ở đâu đó quanh tôi.

Từ chiếc radio Thái Thanh luôn mở đầu cho một đêm Sài Gòn bằng câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” để cho những Hà Nội, Huế, Cần Thơ… mà không phải là Sài Gòn trở thành một nỗi nhớ nhà, nhớ quê đến quay quắt. Đứa trẻ con là tôi, sinh ra ở Sài Gòn nên vẫn nhận Sài Gòn là đất quê của mình. Nỗi thương nhớ về miền đất xa xôi ở mãi phương Bắc tôi chỉ biết được qua những lời kể pha đầy nỗi ngậm ngùi của người lớn.

Bạn thân mến, đừng trách tôi khi cứ kéo mình đi giật lùi về cái quá khứ của đứa bé con bẩy, tám tuổi ngày ấy. Một cái quá khứ rất xa rồi sau đó lại dẫn dắt đến ngay cái cột mốc chia lìa của đất nước mà mỗi chúng ta khi nhớ đến lại rất đau lòng.

Thế nên tôi cũng chẳng biết kể gì với bạn trong lúc đêm về như đêm nay ngồi nghe đi nghe lại một bài hát ưa thích. Từ lâu tôi đã thích bài hát này bời giai điệu chậm rãi, thong thả như một tiếng thì thầm về những gì dang dở đã rời xa. Và nếu được nghe trong đêm qua tiếng hát Lệ Thu, thêm một chút trăng bồng bềnh trên cao có lẽ chúng ta khó tránh khỏi cảm xúc chênh vênh bởi nỗi chia lìa.

Nghìn trùng xa cách… người đã đi rồi…

Căn gác nhỏ. Ánh trăng lung linh ngoài cửa sổ. Ấu thơ tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya trong tiếng nhạc bồng bềnh từ chiếc máy cassette của một người lớn nào đó trong nhà cũng đang tìm cách ru giấc ngủ muộn. Cuốn băng nhạc Phạm Duy này tôi đã được nghe đi nghe lại phát mòn đến thuộc từng câu, từng chữ của tất cả các bài hát ấy. Tôi bé con con đã từng làm người lớn tròn mắt vì có thể nói vanh vách tên bài hát của nhạc sĩ nào. Và tôi luôn là kẻ thắng cuộc trong trò chơi nhận giọng hát của các ca sĩ Sài Gòn thời ấy.

Thật ra không khó để nhận ra một giọng hát của các ca sĩ Sài Gòn. Mỗi người như một loài hoa mang hương sắc riêng biệt của chính mình. Họ không có cái lơ lớ pha trộn đầy vẻ nhốn nháo như các ca sĩ thời nay. Từ một Thái Thanh âm sắc cao vút đến một Khánh Ly u ẩn trầm uất. Từ một Anh Ngọc sang trọng nồng ấm đến một Chế Linh buồn bã yếu đuối… Thế hệ của những người ca sĩ Sài Gòn ngày ấy đã làm nhẹ đi bao nỗi buồn thương của một thời loạn lạc.

Thế nên bài hát bạn vừa gửi cùng tin báo về sự ra đi của người nhạc sĩ lão thành đã gây cho tôi một nỗi tiếc nuối khó nói thành lời bởi những mâu thuẫn của thời cuộc. Trong lúc này tôi chỉ muốn đơn thuần là đứa bé con của Sài Gòn ngày nào để lắng mình trong một khoảng lặng thuần túy những giai điệu âm nhạc mượt mà của một người nhạc sĩ tài hoa. Là một áo trắng học trò “Ngày xưa Hoàng thị”. Là tha thiết yêu đương cùng “Phượng yêu”. Là tình yêu quê hương đất nước của “Tình ca”… còn nhiều nhiều nữa để cuối cùng là “Nghìn trùng xa cách”.

Nghìn trùng xa cách… người cuối chân trời…

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười.

Ở nơi đây đang lặng lẽ mưa rơi, bạn ạ.

 

Nguyên Tú My

 

Nghìn trùng xa cách
 
Nhạc sĩ: Phạm Duy – Ca sĩ: Lệ Thu

 

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=NBSKP6KBnV

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho ngườị..
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời khóc, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Ðường ta đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho ngườị..
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho ngườị

Read Full Post »

Chờ đợi suốt một năm dài ròng rã. Khi người ta lục đục tháo gỡ chiếc đèn ngôi sao treo trước cửa nhà xuống, rồi dọn dẹp hang đá, cất dọn cây thông là đến lúc xuân lại trở về. Bất chợt khi buổi sáng thức dậy, bạn nghe tiếng nhạc quen thuộc vang lên rộn rã từ chiếc radio:

Xuân đã về… Xuân đã về… kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mang…

Không khí xuân như bừng lên trong lòng người đánh thức nỗi xôn xao rộn ràng chào đón mộn mùa xuân đang đến. Thế là người lớn lại lo chộn rộn sắm sửa đón Tết dù rằng sau lưng vẫn đầy ứ những nỗi lo toan của việc mưu sinh. Còn trẻ con, có lẽ không còn nỗi háo hức nào hơn khi mùa xuân đến. Đối với chúng, mùa xuân chính là mùa Tết. Chỉ là một âm thanh gọn ghẽ mà chứa đựng bao nỗi xôn xao đợi chờ. Âm thanh ấy gợi nên đầy đủ màu sắc, hương vị, niềm vui trong tâm hồn một đứa trẻ thơ ngây. Ngày Tết thực sự mới chính là giây phút chuyển mùa và mọi thứ đều thanh tân mới lạ.

Trước Tết cả tháng, chúng đã thập thò mơ ước về bộ quần áo mới may mặc trong ngày Tết rồi. Quên làm sao được cảm giác hân hoan khi được khoác lên người chiếc áo dài đầu tiên của thưở lên mười. Như chẳng còn màu hồng nào đẹp hơn nữa. Như chẳng có tơ lụa nào mịn màng hơn nữa. Cảm giác mát lạnh khi chạm tay vào miếng vải tơ và nỗi xôn xao chờ đợi chiếc áo may vội trong đêm ba mươi Tết chính là chớm bắt đầu cho một thời thiếu nữ biết điệu đà cùng áo hoa gương lược.

Ngày mùng một Tết, đứa con gái xúng xính trong chiếc áo tơ hồng cùng cô bạn hàng xóm cũng rất điệu trong tà áo gấm xanh dắt tay nhau đi vòng quanh… xóm (!) tươi cười với mọi người – kể cả thằng con trai đầu gấu vẫn thường ghét nó cay đắng.

Name:  Li xi.jpg Views: 4484 Size:  50.6 KBỪ, Tết mà. Tết khiến ai ai cũng phải mở lòng bao dung ra đón lấy bằng từng kiểu cách của riêng mình. Như người lớn, ngày tết lúc nào cũng phải dự trữ trong túi vài bao lì xì xanh đỏ còn mới nguyên. Chỉ cần cầm ve vẩy trước mặt con nít là sẽ nhận được một nụ cười tươi như… Tết!

Bọn con gái thích sưu tầm các bao lì xì đẹp nên cất giữ chúng kỹ lắm để chờ qua tết đem đổi cho nhau xem. Nào là hình ông Địa mập ú nù, mấy đứa con nít mặt tươi mắt sáng, bộ chữ Phước Lộc Thọ mạ vàng lấp lánh… Chao ơi, đủ cả.

Tôi thích hình cành mai vàng treo câu đối hay thiệp Tết dù rằng năm nào ở trước sân nhà cũng có một cội mai to tướng nở bông vàng rực. Đến giờ nhớ lại mới thấy đó là cái ký ức mạnh mẽ nhất của ngày Tết thời thơ ấu. Tôi gọi đó là ký ức sắc màu. Không thể là Tết nếu thiếu những sắc màu rộn rã ấy. Không gian của hoa tươi sắc thắm, của áo mới tung tăng, của khuôn mặt tươi vui rạng rỡ và xác pháo hồng thắm phủ đầy trước sân của mỗi nhà.

Mẹ tôi thích giữ xác pháo rơi trên sân cho đến ngày mùng ba Tết. Thương lắm hình ảnh mẹ hiền khi quét sân cứ phải nghiêng nghiêng cây chổi dọn từng cọng rác để tránh chạm vào lớp pháo hoa đẹp đẽ kia.

Cội mai vàng rực, hoa pháo đỏ sân.

Có còn hình ảnh Tết nào đẹp hơn nữa không bạn ơi? Tôi vẫn mơ được vẽ thêm vào bức tranh Tết tuyệt với kia bóng dáng của những cụ già tóc bạc, lưng còng với nét mặt an nhiên tự tại và những đứa trẻ miệng cười ngây thơ trong sáng. Chính vì thế nên tôi yêu nét vẽ của họa sĩ ViVi trong những tấm tranh Tết của ông. Tôi như ngửi thấy mùi pháo tép vương vương ngoài ngõ, tiếng lục cục của bàn lắc bầu cua của lũ trẻ trong xóm. Hồn Tết thấp thoáng mãi trong khăn đóng, áo gấm, hài cườm… của một thời bình yên Sài Gòn xưa cũ.

Hình ảnh đó, tôi biết không chỉ riêng mình tôi nhớ. Thời gian trôi, bạn và tôi có cố gắng mấy cũng không thể dựng lại tuổi thơ đã mất. Thì thôi, nếu đem về được trước sân nhà bạn một cội mai vàng để đón Tết là vui lắm rồi. Còn tôi dù nơi này không có mai vàng nở rộ nhưng hồn Tết của một Sài Gòn năm xưa vẫn còn đọng mãi trong tôi khi nhớ về những sắc màu ký ức ấy.

Nguyên Tú My

Hạnh phúc đầu xuân

Nhạc sĩ: Minh Kỳ – Lê Dinh

Ca sĩ: Phương Dung

http://www.youtube.com/watch?v=kYqy1SSsquQ&feature=related

Read Full Post »

Thu vàng

Beautiful autumn scenery

Thành phố mùa thu dẫn theo những cơn mưa nhỏ dịu dàng chợt đến, chợt đi. Có những sáng ngủ dậy nhìn ra mặt đường loang loáng nước tưởng như có mưa về giữa khuya, Nhưng không, đó là sương rơi vào đêm nên làm cả buổi sớm ầm lên một tiết thu lành lạnh.

Tôi thường có những buổi sáng đi trong sương khi thành phố chưa có mặt trời. Ngày của mùa thu bắt đầu bằng những đêm dài ngày ngắn dù rằng cây kim chỉ giờ trên chiếc đồng hồ đã được lui lại một nấc cũng không đủ cho ngày thu kéo dài hơn được nữa. Thời gian rời rạc rơi theo những chiếc lá vàng đang úa lìa cành.

Tôi thu nhận vào tâm thức những hình ảnh đẹp nhất của một nơi có đủ thời tiết bốn mùa bằng tất cả giác quan có được. Màu sắc của lá, hương vị của hoa và âm thanh xào xạc của gió đùa trên lá khô làm nên một tiết tấu riêng biệt chỉ có mùa thu mới kết nên được thanh âm tuyệt vời ấy.

Đến cả nắng thu cũng lạ hơn những ngày nắng trong các mùa khác. Có ngày gió hiu hiu, nắng hanh hanh. Có ngày lại nồng gắt, vàng rực lên theo đám lá vàng đong dưa trên chòm cây cao ngoài phố.

Mùa thu đã về trên thành phố. Bao giờ cũng thế tôi nghe có chút xôn xao đón chờ mùa đến, cùng với nỗi nhớ khi mùa đi như mong bạn bè thân thiết, như tiễn tri kỷ lâu năm. Trong mối tâm tình yêu mến ấy, mùa thu dường như đã trở thành một hợp nhập thân thuộc trong miền ký ức.

Nói đến đây bỗng nhiên lại nhớ đến điệu Valse dìu dặt trong một bài hát rất xưa cùa Cung Tiến. Thu vàng, đã được tác giả đề tặng Hà nội những ngày ấu thơ. Bài hát đầu tay được Cung Tiến viết vào năm 1953 khi ông còn rất trẻ. Cậu thiếu niên trung học Hà nội đã ghi lại một mùa thu có lá vàng rơi, có mây vương trong chiều để cho lòng người bâng khuâng từng bước lang thang trên hè phố. Mùa thu Hà Nội càng thêm se sắt nhớ thương hơn nữa đến khi đất nước chia lìa, Thu vàng trở thành nỗi niềm của những người Hà nội ở phương xa thương nhớ về cảnh xưa chốn cũ.

Sau năm 1954, khi Cung Tiến vào Sài Gòn. Thu vàng vẫn bàng bạc một chất thu Hà Nội đã được nhiều ca sĩ hát thành công như Tâm Vấn, Mai Hương… Nhưng đến khi Thanh Lan hát Thu vàng với chất giọng dễ thương cùng với khuôn mặt xinh xắn của cô, người ta lại tìm thấy đâu đó có một Thu vàng rất Sài Gòn trên những con đường lá me của tuổi học trò như Duy Tân, Nguyễn Du…

Sài Gòn vào thu của những tháng cuối năm trời lạnh hơn, cây bớt xanh hơn và lá vàng rơi nhiều hơn. Nhiều khi vào những ngày thu trời gió tôi thích một mình lang thang qua các con đường có hàng me đan lá để được ngắm những trận mưa lá vàng rơi. Một ngày thu Sài Gòn sẽ còn đẹp hơn nữa khi bạn bắt gặp được vài cô nữ sinh đi học sớm điệu đà khoác thêm chiếc áo len màu tô điểm cho sắc thu Sài Gòn thêm duyên dáng.

Mùa thu Sài Gòn có chút thiệt thòi vì không khởi sắc rõ nét, chỉ là một chút len lén trên sắc lá, một chút duyên thầm trên áo hoa thôi. Nhưng với cái tình của người Sài Gòn tinh tế với đôi chút lãng mạn, mủa thu Sài Gòn vẫn được trông ngóng đón chờ như một nỗi mênh mông hoài niệm…

Chiều nay, ngồi nơi đây tưởng nhớ về một mùa thu ờ nơi xa thấy lòng nặng nỗi tiếc nuối ngậm ngùi. Không biết vì thương nhớ Sài Gòn hay thương nhớ một quãng đời tuổi trẻ đã trôi qua không bao giờ trở lại…

Em ra đi mùa thu.

Mùa thu không trở lại…

Nguyên Tú My

Thu vàng

Nhạc sĩ: Cung Tiến – Ca sĩ: Thanh Lan 

http://www.youtube.com/watch?v=Ec-Je1OT3G0

Mùa thu không trở lại

Nhạc sĩ: Phạm Trọng Cầu – Ca sĩ: Mai Hương 

http://www.youtube.com/watch?v=hHNCE3xAi9k

Read Full Post »

Name:  bia nhac cu.78.jpg Views: 635 Size:  121.2 KB

Đó là một căn gác nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở bến xe đò Ngã Bảy. Căn gác được chắp vá bởi nhiều mảnh gỗ, to nhỏ kích thước khác nhau khi đứng trong nhà tôi vẫn bắt được nhiều tia sáng len theo các khe hở lọt vào nhà. Đôi khi tôi lê la ngồi dưới sàn vẫn hay ghé mắt nhìn xuống căn nhà phía dưới nơi chỉ đủ kê một bộ bàn ghế và một cái giường.

Căn gác ấy là một thế giới thật đặc biệt đối với tôi. Ở đó tôi có thể nghe được tiếng mưa rào trên mái tôn rất rõ, tiếng leng keng của chiếc chuông gió ngoài cửa sổ, tiếng người buôn bán nói chuyện râm ran dưới con ngõ hẹp. Tất cả những điều đó đã gợi cho tôi một ấn tượng sâu đậm về một góc đời khác biệt của phố thị Sài Gòn.

Chủ nhân căn gác là một thiếu nữ mười tám tuổi. Chị học trên tôi hai lớp. Thuở ấy tôi là học trò cưng của các thầy trong trường nên các chị lớp lớn hay tìm đến làm quen để thu thập tin tức về các thầy mà mình ái mộ. Mười sáu tuổi mà tôi vẫn ngu ngơ lắm, chỉ cần được hối lộ vài cục kẹo là tôi cứ hồn nhiên cầm thư “xin phép nghỉ học” của các chị nhờ giao cho thầy. Được vài lần thì tôi ăn một cái cốc vào đầu: “Ngố lắm nhóc à! Không được đưa thư giùm như thế nữa nghe.” Tôi ấm ức nhìn ba ông thầy trẻ cứ cười tủm tỉm mà vẫn chẳng hiểu tại sao.

Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười và thương thương cho các mối tình học trò ngu ngơ của các cô nữ sinh mới lớn.

Nói vậy, chẳng biết có ngu ngơ không. Bốn năm sau khi tôi ngồi trên căn gác gỗ ấy. Lúng túng, buồn thiu trước những giọt nước mắt của người thiếu nữ vẫn còn ôm mối tình câm không bao giờ tỏ. Tuổi hai mươi tôi tưởng mình đã lớn. Nhưng không, thế giới quanh tôi mù mịt những dấu chấm hỏi ngơ ngác mà có những điều đến ngay cả bây giờ tôi vẫn chưa giải thích được. Chỉ biết thở dài…

Cơn mưa chiều dai dẳng không dứt. Căn gác ọp ẹp lại càng buồn thêm vì một ngày mất điện. Chị đem tập nhạc, chọn bài Nỗi buồn gác trọ có tấm hình cô Phương Dung còn trẻ măng rồi hỏi tôi hát cho chị nghe. Tôi không quen hát bài này nên từ chối. Chị cầm lấy cây đàn và hát. Giọng nhỏ nhẹ, làn hơi yếu lẫn theo tiếng mưa tôi nghe tiếng được tiếng mất nhưng với tôi, sau cô ca sĩ Phương Dung, đó là bài hát Nỗi buồn gác trọ tôi được nghe và cảm thấy hay vô cùng.

Từ đó tôi bắt đầu để ý đến những căn gác nhỏ mỗi khi có dịp đặt chân đến. Giống như biểu tượng của sự chênh vênh, tạm bợ. Những căn gác đều nhỏ, chật chội, lỏng chỏng đồ đạc quanh nhà, đụng tay là bụi bám đấy vì cửa ngõ lúc nào cũng mở thông thống để hứng ánh sáng mặt trời và gió. Giữa trưa thò đầu qua cửa sổ là có thể gọi được một chén chè hay bất cứ món ăn nào của các hàng gánh trong ngõ. Nửa đêm thức giấc, nếu may mắn sẽ nghe được tiếng đàn tiếng hát của ai đó ở nhà bên. Còn rủi hơn là tiếng cự cãi ồn ào của của hàng xóm gần nhà. Gác nhỏ chẳng có gì riêng tư nhưng lại gần gũi như thế nên làm cho tôi phải nhớ hoài, phải mủi lòng mỗi khi nhắc đến.

Nói lan man hết chuyện rồi, bạn nghe chơi chứ đừng có cắc cớ hỏi lại tôi rằng: “Vậy chớ, có muốn sống đời gác trọ không?” để cho tôi khó trả lời lắm nghe. Không vậy thì sao tôi lại chọn cái tựa bài hát của hai ông nhạc sĩ Hoài Linh – Mạnh Phát cho entry này.

Buồn thấy mồ!

Nguyên Tú My

Nỗi buồn gác trọ

Nhạc sĩ: Hoài Linh – Mạnh Phát

Ca sĩ: Phương Dung

http://www.youtube.com/watch?v=0QWrG6CA61k

Read Full Post »

 

Xa Sài Gòn một thời gian đủ dài để tôi nhận ra rằng mình cũng là một kẻ cực đoan ghê gớm. Ký ức về Sài Gòn cùa tôi nhất định nằm lì trong một khoảng không gian nhất định của quá khứ, bất chấp những thay đổi vun vút mà thời gian đem lại. Ví von hơn nữa, tôi tơ tưởng về Sài Gòn ngày xưa là một cô gái đang độ đôi mươi đẹp thuần khiết, dịu dàng nên bây giờ rất khó để chấp nhận một Sài Gòn mới mẻ được tân trang phù phiếm đắp vá như người phụ nữ quá thì vội vàng níu kéo tuổi xuân. Khi tôi nói ra điều này chắc chắn sẽ có nhiều bạn trẻ không đồng ý với lối so sánh khập khiễng ấy nhưng tôi tin bạn sẽ hiểu khi mười năm, hai mươi năm sau đến một lúc nào đó bạn có được một quá khứ đủ đầy thì Sài Gòn của ngày hôm nay sẽ trở thành một nỗi niềm lưu luyến khôn nguôi trong ký ức riêng của bạn.

Tôi thích sưu tập hình ảnh cũ hay lắng nghe những câu chuyện kể về Sài Gòn ngày xưa từ người lớn. Khác với Hà Nội đằm thắm mưa phùn lây rây, hoa sữa ngát hương trên phố hay Huế cổ kính với lăng đền xưa cũ, dòng sông Hương mượt mà uốn quanh. Ký ức về Sài Gòn luôn là đường phố, quán xá và những tà áo trắng trong giờ tan học. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ vì Sài Gòn là một biểu tượng của sức sống không ngừng chảy bắt nguồn trong từng sinh hoạt của người dân phố thị.

Chẳng hạn vào sáng tinh mơ, bạn có thể nghe được những tiếng động rất đặc trưng báo rằng thành phố đang thức dậy. Gần nhà tôi có một bác chạy xe lam thường khởi hành rất đúng giờ. Khi tôi nghe tiếng máy xe nổ phành phạch là biết rằng đã bốn giờ sáng. Con phố nhỏ rùng rình ngái ngủ rồi tỉnh giấc dần theo tiếng động, tiếng lao xao ở ngoài đường lớn. Bắt đầu một buổi sáng của tôi là việc quét lá rụng trên sân vun lại thành đống lớn chờ khi lá khô ba tôi sẽ đốt. Tôi thích ngửi mùi lá khô có thoang thoảng hương thơm của những đoá hoa nở trên cành cao. Về sau này, hàng xóm đông đúc hơn ba tôi không muốn phiền nên những chiếc lá rơi được hốt ngay vào thùng rác. Tôi không thích nhìn những chiếc lá mơn mởn bị vùi dập ấn vào thùng rác một cách bội bạc như thế nên hàng ngày vẫn chăm chỉ quét lá rồi vun đống chờ lá mục tàn.

Nói về cỏ hoa có lẽ chẳng bao giờ hết chuyện. Hoa đẹp muôn màu muôn vẻ thì đã đành, đến lá cũng đa dạng, mỗi cây mỗi kiểu. Lá hoa Sứ (hay còn gọi là hoa Đại) to, màu sậm có gân lớn. Lá hoa Hoàng Anh nhỏ và cũng mịn màng hơn. Lá hoa Ngọc Lan to bản, có màu xanh ngọc đẹp và thơm nhưng tôi luôn cảnh giác với loại cây lá này vì nếu không may bạn sẽ chộp được một con sâu cũng màu xanh ngọc mập ú nằm ngo ngoe lẫn dưới lá. Hàng xóm nhà tôi vẫn thường ghé qua xin hoa Ngọc Lan. Có người vô ý níu cây bẻ gẫy cả cành lớn thật đau lòng. Để tránh cảnh tàn phá từ những bàn tay bạo tàn, anh tôi thường hái cả túi hoa để sẵn trong nhà dành chia cho mọi người.

Sài Gòn không có nhiều cỏ hoa nhưng bù lại cây to bóng mát cũng nhiều. Muốn tránh trời trưa nắng đổ, nếu thời gian còn chút thong dong cứ rẽ vào những con đường nho nhỏ mát rượi bởi tàng cây cao có lá đan vào nhau rợp bóng. Những con đường lá me của Sài Gòn đã làm nên bao nhiêu thơ nhạc lãng mạn về vẻ đẹp của Sài Gòn. Tôi nhớ những vĩa hè bằng gạch kẻ ô vuông nhỏ làm mỗi bước đi cứ dập dềnh trên đôi giầy gót nhọn. Thỉnh thoảng ở nơi góc phố nào đó, một chái hiên được nâng lên nhô ra ngoài vỉa hè, vài ba bộ bàn ghế gỗ kê chênh vênh là đủ cho người Sài Gòn mượn cớ dừng chân để uống một ly café phin nâu đen đậm đà rồi ngắm nhìn người đi qua lại trên đường.

Người Sài Gòn quen thuộc với hàng quán như một phần lẻ của đời sống không thể thiếu. Vào tuổi học trò, hàng quán là những xe bán quà vặt ở trước cổng trường. Bò bía, chè, gỏi đu đủ… là những món thật quen thuộc và luôn được các cô, các cậu học sinh chiếu cố tận tình. Nói đến chuyện ăn quà người ta hay đổ oan cho các cô con gái. Nếu bạn đi qua các trường nam sinh như Chu Văn An hay Cao Thắng, nhìn cảnh các cậu người đứng, kẻ ngồi trên xe tay bưng đĩa gỏi đu đủ húp đến cạn giọt nước cuối cùng trong đĩa thì sẽ thấy cái tội “ăn quà mỏ khoét” không phải chỉ có các cô. Lớn lên chút nữa, ở vào lứa tuổi ngấp nghé ngưỡng cửa đại học, hàng quán sẽ là những quán cóc bình dân ở bên đường, ngước mắt lên là những hàng cây cao rùng rình gió thổi lá rơi cả vào ly. Đối với người Sài Gòn, ngồi quán chỉ là một cái cớ để người ta được gần nhau hơn, được chuyện trò hàn huyên những câu chuyện đôi khi rất vô nghĩa sau làn khói thuốc mỏng tanh. Một cách tiêu khiển thời gian rất phóng khoáng của người Sài Gòn làm thành một nét đặc trưng của đời sống phố thị.

Sài Gòn là thế đấy, thong dong giữa bộn bề phố xá vì từng đời sống thị dân đã làm nên hồn phố lao xao. Để cho tôi, hôm nay ở một góc trời thật xa phải mang nỗi nhớ nhung ra kể với bạn về một phần đời của Sài Gòn năm cũ. Còn bạn, ký ức nào vẫn còn lưu giữ về một thành phố ngày xưa?

Nguyên Tú My

Read Full Post »

Giống như một cuộc chuyện trò thâm trầm giữa hai người bạn tâm giao, nói ít nhưng lại hiểu nhau thật nhiều. Đôi khi tôi tìm đến thơ để ru mình vào nỗi mênh mang của hoài niệm mà ngôn từ của thơ luôn đẹp và buồn tựa như lời của gió, mỏng mành dịu dàng như mưa. Có những buổi chiều mưa rơi như chiều hôm nay, lời thơ của Du Tử Lê lại trở về với tôi ngọt ngào và đằm thắm đến lạ lùng.

Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng

Tôi đang nghe Tuấn Ngọc hát Trên Ngọn Tình Sầu của Từ Công Phụng. Chậm rãi, thong thả buông rơi từng chữ bằng chất giọng trầm ấm của một người đàn ông từng trải. Như đã từng bước qua nỗi niềm của hạnh phúc đau khổ, quên lãng và tan tác rồi đến một giây phút nào đó khi thời gian và không gian được phong kín “từ mắt em ngắt tạnh” chỉ còn lại đâu đó phảng phất một mùi hương quen xa xưa “từ thưở định hôn người”.

Người trông ngóng hương đưa
Mùi mái tóc đêm mưa

Câu thơ đẹp quá. Là một điều gì đó mơ hồ tựa sương khói, ẩn hiện mà không thể nắm bắt được. Bao nhiêu thi nhân mặc khách đã trải lòng theo mưa nhưng có mấy ai dệt được những vần thơ êm ả như thế này. Tôi không biết Du Tử Lê viết về một ngày mưa ở nơi nào, khi nghe “Trên ngọn tình sầu” trong lòng tôi luôn hiện lên hình ảnh của bất cứ một nơi chốn góc phố nào đó ở Sài Gòn xưa cũ.

Bạn có còn nhớ những cơn mưa tầm tã, kéo dài thâu đêm của Sài Gòn hay không? Trời mưa lạnh buốt, áo khoác rộng lùng thùng đi về trên những con đường có ánh đèn vàng hiu hắt nhạt nhòa trong mưa. Mưa Sài Gòn luôn làm ta ngơ ngẩn nhìn theo vạt nước sáng bay nghiêng trong gió rồi tạt vào môi lạnh buốt. Những con đường sáng chiều đi về quen lối, chỉ cần một cơn mưa rơi xuống lại thấy lòng xôn xao như mới vừa quen.

Nhớ lại cái thời một lũ con gái hay ngồi đong đưa trên khung cửa sổ lớp học vào giờ nghỉ trưa thơ thẩn nhìn ra ngoài phố. Ngôi trường xây từ thời Pháp nên các khung cửa sổ thật rộng và thoáng, đủ cho tầm nhìn lướt qua hàng me già bên đường có lũ chim sẻ rúc rích cả ngày. Vào những ngày mưa, thành phố như được phủ một lớp sương mờ bàng bạc lên cây lá, mái nhà cũ kỹ rêu xanh.

Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần

Chờ đợi một cơn mưa hay một điều gì đó rất mông lung khó tả. Đôi khi tự hỏi điều gì đã làm cho tôi lưu luyến mãi về những ngày mưa của Sài Gòn đến thế mà sao nhớ đến quay quắt, xót xa… Trong khoảnh khắc sâu lắng ấy, tôi luôn bắt gặp câu thơ của Du Tử Lê qua tiếng hát Tuấn Ngọc trầm bổng xao xác để âm thanh chạm vào một mùi hương thanh khiết khó phai, “mùi mái tóc đêm mưa”. Nỗi nhớ chao đảo theo mưa rơi xuống, nghiêng nghiêng tìm lại dĩ vãng trong từng lời thơ. Đẹp quá và cũng buồn quá.

Cứ ngỡ khi xa rồi sẽ thôi nhớ thương mộng mị mà sao ở giữa giây phút chuyển mùa lại để lòng mềm yếu theo hạt mưa rơi. “Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa…” Sài Gòn ơi.

Nguyên Tú My

Trên ngọn tình sầu

Nhạc: Từ Công Phụng – Thơ: Du Tử Lê – Ca sĩ: Tuấn Ngọc

http://www.youtube.com/watch?v=yOorcf8Vulo

Read Full Post »

Mưa Sài Gòn

Bạn hỏi, Sài Gòn có gì để cho tôi nhớ đến nhiều nhất? Không ngại ngần, câu trả lời của tôi, đó là những cơn mưa Sài Gòn.

Thời tiết Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa-nắng vì thế bao nhiêu năm sống ở Sài Gòn tôi cũng bị thấm bởi cái nắng-mưa bất chợt ấy. Mùa mưa Sài Gòn luôn trở về khi không ai ngờ đến, vào buổi chiều trời đang xuân hanh hanh nắng, đến giữa khuya chợt nghe tiếng mưa đêm rơi rào rào trên mái là biết mùa mưa đã đến rồi. Mưa Sài Gòn là thế đó bạn ạ. Khi nhớ về mưa Sài Gòn là khi tôi nhớ về nỗi hiu hắt, buồn thương của những cuộc đời lam lũ, những mối tình trắc trở. Đã bao lần vào giữa khuya tôi chìm trong cảm giác nửa tỉnh nửa mê, để lòng lắng theo tiếng mưa đêm man mác quyện vào tiếng hát Khánh Ly mộng mị theo “mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề”. Mưa rả rích đổ giọt trên mái tôn trong xóm nghèo đèn vàng hiu hắt khi “em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm và chỉ làm phố buồn thêm...”

Trở về với tuổi thơ của tôi, bạn hãy ngồi bên khung cửa sổ trên cao kia, phía dưới là những dãy nhà cũ kỹ trong tầm mắt nối nhau bởi những mảng tường, khung cửa sổ bằng gỗ khép kín. Vào buổi chiều thường có mưa rất lớn. Mưa ồ ạt, vội vàng trút từng làn nước mờ mờ che khuất một khoảng trời phía xa, cây cảnh như lẫn vào nhau thành một bức tranh xám mờ không rõ nét. Thành phố Sài gòn luôn ồn ào bận rộn chợt vắng lặng hẳn đi dưới cơn mưa. Lẫn trong khung trời xám lạnh bạn sẽ bắt gặp một mái nhọn cao vút lên của ngôi giáo đường phía cuối trời thấp thoáng trong làn mưa chiều. Rồi khi có ai đó gửi lòng vào những bài ca từ bên nhà hàng xóm theo gió đưa đẩy tiếng đàn guitar rưng rưng một cung La thứ buồn “có những chiều thành phố mưa bay, công viên buồn tượng đá cũng buồn…” nghe sao tha thiết quá. Một nỗi bâng khuâng thật dịu dàng như một giao cảm cùng đất trời mà tôi đã sớm biết đến. Không thể khác hơn được nữa khi bạn ở vào lứa tuổi mới lớn như tôi ngày xưa, luôn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trong veo cùa nắng nên khi bắt gặp giọt mưa rơi sẽ thấy đó là một diệu kỳ của đất trời đem đến.


Tôi yêu biết bao những buổi chiều mưa như thế. Cái buồn bã đẹp dịu dàng nhưng không ủy mị của những cơn mưa chiều ở Sài Gòn luôn làm cho lòng người thêm đằm thắm. Đã là người Sài Gòn chắc hẳn không ai không có một ký ức về mưa cho riêng mình. Không biết đã bao lần tôi vướng phải những cơn mưa rào bất chợt rơi trên đường phố. Nhất là khi đang vào tuổi học trò, bắt gặp được một cơn mưa trên đường về nhà thì không còn gì thú vị hơn. Lại được thêm một lý do chính đáng để kề cà ghé vào trú mưa dưới một hiên nhà ở bên đuờng, ngắm nhìn đường phố vắng lặng, nước trôi như một con sông nhỏ lẫn vào từng chùm bong bóng nước phập phồng trắng xoá. Đẹp như câu hát ẩn dụ tuyệt vời của Trịnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.

Đó là những lúc bạn có một mình độc hành trong mưa. Còn đang đi với bạn bè, nhóm năm nhóm bẩy mà gặp mưa thì đã có quán nhỏ bên đường để ghé chân mà tán chuyện viễn vông chờ mưa tạnh. Quán nước, quán chè bình dân hợp với túi tiền sinh viên luôn đông khách trú mưa. Chật chội, đông đúc nhưng chẳng ai có vẻ phiền hà, người ta có thể ngồi sát vào nhau một chút để nhường chỗ cho một nhóm người mới đến. Dường như đây là một thời khắc gần gủi, nhẹ nhàng nhất để người ta làm quen với nhau dễ dàng hơn. Đôi ba câu chuyện bâng quơ, lau giùm quyển sách lấm nước của cô bạn mới quen rồi đến khi mưa tạnh, trời còn lất phất vài giọt mưa đọng lại trên tàng lá cao, đôi bạn lại song song đạp xe bên nhau như một tình cờ của duyên mưa đã sắp đặt sẵn.

Đã có bao nhiêu cuộc tình bắt đầu trong một chiều mưa của Sài Gòn? Không ai đếm và cũng không ai có thể đếm được, có phải vì mưa lúc nào cũng mong manh…

Nguyên Tú My

Thành phố mưa bay

Nhạc sĩ: Bằng Giang – Ca sĩ: Quang Dũng

http://www.youtube.com/watch?v=VmSDgXOcYLo

Read Full Post »

Hôm nay tuyết bay trắng xoá ngoài kia. Trời lạnh phủ đầy một màu xám trắng buồn buồn. Trong không khí của một ngày đầu năm mới, tôi chợt ước ao về một chậu cúc vàng hay cành mai tươi rực rỡ sắc màu để sưởi ấm một chiều chớm đông hanh hao nơi miền đông giá lạnh. Những bông hoa này ở một miền nắng ấm xa xôi kia người ta đang xôn xao vun xới, ủ mầm chờ đón một mùa xuân mới trở về trên quê hương.

Mủa xuân quê nhà vào những ngày cận Tết, xôn xao nhất vẫn là chợ hoa trên phố. Đã là một tập tục không thể quên, dù bận rộn đến đâu, người ta cũng phải ra chợ đón về nhà một vài chậu cây hoa kiểng để chưng ngày tết. Bắt đầu vào tháng Chạp đã có những chuyến xe hàng chở hoa tươi, cây kiểng đổ vào thành phố rồi. Chợ hoa Nguyễn Huệ lớn nhất nằm ngay trung tâm Sài Gòn lúc nào cũng dập dìu người đi đông như hội. Người đi mua thì ít mà người đi xem hoa, tạo cơ hội được chụp hình ngày xuân bên ngàn hoa sắc thắm thì nhiều. Vì muốn mua được hoa rẻ và để tiện chuyên chở người ta thường tìm đến các chợ hoa bày bán dọc trên các đường phố chính ở gần nhà. Dường như đi loanh quanh nơi đâu cũng bắt gặp đầy những chợ hoa như chợ Bàn Cờ trên đường Phan Đình Phùng, hay trước chùa Việt Nam Quốc Tự của đường Trần Quốc Toản, quanh Lăng Ông ở Bà Chiểu… Trong không khí nhộn nhịp của đường phố, các loại hoa xuân tỏa hết sắc màu khoe nét tươi thắm yêu kiều độc đáo của riêng mình: màu đỏ rực rỡ của hoa Đỗ Quyên, Mào Gà; màu hồng duyên dáng của Mãn Đình Hồng; màu trắng thanh tao của Cúc đại đoá, Thủy Tiên; màu tím dịu dàng của Phong Lan, Sao nhái… nhưng sắc vàng hoa Cúc, hoa Mai lúc nào cũng rực rỡ riêng biệt cả một góc trời không màu sắc nào khác có thể so bì được.

Mai vàng luôn là biểu tượng cho mùa xuân của miền Nam, cũng như hoa Đào là nét đặc trưng của miền Bắc, hay hoa Sen cũng là thanh sắc của người miền Trung. Mỗi loại hoa có nét đặc sắc riêng tùy theo khí hậu, địa thổ của từng vùng. Có phải vì ảnh hưởng khí hậu xứ nóng hay không mà mầu hoa Mai sao lại vàng rực rỡ quá, nhất là dưới ánh nắng của trời xuân miền Nam. Có đôi lần tôi đi về miền quê vào ngày Tết, hình ảnh cây mai vàng trong sân nhà quê đẹp kỳ lạ. Ẩn hiện đằng sau bờ rào xanh lá, cây mai vàng nở tung trăm cánh thanh tao khoe sắc trước thềm rêu, mái nâu nhà cổ cứ níu kéo chân tôi ngập ngừng không muốn rời bước. Có lẽ đối với tôi, hoa Mai càng đẹp hơn nhiều khi đứng giữa cảnh trời cô tịch. Sự cô đơn thật thích hợp với nét đẹp kiêu sa vàng rực rất đài các ấy.

Nói đến đây lại nhớ cây mai của nhà tôi ngày xưa. Đó là một cây mai vàng được trồng trong chậu kiểng lớn được đặt ở góc vườn. Trước Tết một, hai tháng là ba tôi đã lo tưới bón thăm dò trước rồi. Khi cách ngày Tết khoảng nửa tháng, ba tôi đem chậu mai ra sân hứng nắng, lau chùi chậu sứ sạch sẽ và bắt đầu lảy lá mai. Tùy theo thời tiết mà chọn ngày lảy lá, nếu tiết trời bình thường, nắng đẹp thì bảy ngày sau nụ bung vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng vào ngày Tết.

Tôi nhớ cảm giác háo hức bắt đầu từ ngày hai mươi ba Tết, sáng nào cũng ra ngắm nghía trông chờ từng nụ non chúm chím nở trên cành. Năm nào cũng vậy, cây mai nhà tôi luôn có đầy nụ trên cành. Đến khi bắt gặp được bông hoa đầu tiên hé nở cánh vàng là trái tim bừng lên một niềm vui khó tả. Rồi đến một sáng thức dậy, những nụ non xanh chợt biến mất để thay vào đó là một sắc vàng rực rỡ kiêu sa là biết mình đang chạm phải nhan sắc xuân thì của một năm mới. Đôi khi anh em tôi còn nghịch ngợm lượm những cánh hoa rơi, dán thêm vào đoá hoa làm thành bông mai mười hai cánh để loè người lớn rồi cười thích thú với nhau mà đâu ngờ rằng chính người lớn cũng đang giả vờ ngây ngô để làm vui lòng đám trẻ ngây thơ.

Lại nhớ đến thời còn trẻ vô tư phóng khoáng, khi Tết đến đúng là vui như Tết! Tuổi trẻ mà, mọi chuyện cứ rơi vào tay như trời đặt chẳng có gì để mà quay quắt nặng lòng lâu cả. Lại thêm nhạc Xuân, nhạc Tết lại vang lên khắp nơi réo rắt âm điệu tươi vui khiến lòng người càng thêm rộn rã, càng muốn bỏ quên đi những ưu tư buồn phiền năm cũ mà bước vào một năm mới, làm mới cả chính mình để được sống yêu thương, sống đam mê như đã từng sống, đã từng yêu.

Thiền sư Mãn Giác đời nhà Lý, có viết bài thơ rằng:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai”

Xuân duỗi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

(Thích Thanh Từ dịch thơ)

Câu thơ cuối cùng được kết thật bất ngờ nói về một điều kỳ diệu trong tâm linh, ẩn tàng sự trường tồn của đời sống tinh thần con người hoà cùng thiên nhiên cây cỏ. Tôi nghĩ chính vì nét đẹp thanh tao, quân tử mà hoa Mai đã được chọn như một ẩn dụ thật sắc sảo trong bài thơ tuyệt tác.

Một mùa xuân mới đang tới, nơi tôi ở không có mai vàng để đón xuân nhưng trong tâm hồn tôi vẫn mãi còn một sắc hoàng hoa lung linh rực rỡ của hoài niệm xa xưa. Xin trao bạn một nhành mai thuần khiết của tình bạn trong sáng mà chúng ta còn lưu giữ.

Mong một năm mới an lành đến với mọi nhà.

Nguyên Tú My

Câu chuyện đầu năm

Nhạc sĩ: Hoài An – Ca sĩ : Hoàng Oanh

http://www.youtube.com/watch?v=Dy1GlyrdubE

Mai Tứ Quý

Read Full Post »

Cô đơn

Tranh: Bùi Xuân Phái

Những đêm về sáng hình ảnh của ánh trăng khuyết trên bầu trời luôn gây cho tôi một cảm giác cô đơn dù rằng rất đẹp. Vẻ huyền ào cô độc trong đêm khuya thăm thẳm như mang một nỗi buồn giấu kín mà nhân gian không thể nào chạm tới được. Đêm hôm nay thật vắng lặng, bầu trời trong quá, nở những vì sao nhỏ lấp lánh. Tôi lắng mình đón nghe tiếng thở nhẹ của đêm dài đi ngang qua cửa. Mọi thứ chung quanh đều lắng đọng, không có cả tiếng gió đong đưa những chiếc lá vàng cuối mùa để được nghe âm thanh xào xạc như lời từ giã của mùa thu. Mùa lá vàng đã đi xa quá rồi, hương thơm của hoa cúc, miếng bánh trung thu, chiếc đèn lồng lung linh trong đêm rằm tháng Tám… Những ký ức xa xưa tưởng không thể nào nắm bắt được lại trở về trong một đêm trăng tròn vẹn, đầy tràn nỗi nhớ về một thưở bình yên.

Quá khứ của tôi đầy những đêm trăng như đêm nay. Những buổi tối một mình nằm ngắm trăng lên. Ánh trăng chênh chếch bên song cửa màu trắng xanh trong vắt, càng về khuya trăng lên cao treo lửng lơ giữa bầu trời một vệt cong buồn như mi mắt người con gái. Thành phố ngày xưa trong trẻo lắm vầng trăng khuya không bị che phủ bởi khói bụi mây mù hay ánh đèn của những tòa nhà cao ốc. Khung cửa trên lầu bước ra phía mái nhà sau bếp là một khoảng trời của riêng tôi, từ đó tôi có thể ngắm những ngôi sao nhỏ bé chi chít trên bầu trời, đắm mình vào những suy tư vụn vặt. Từ khung cửa ấy đã nhiều lần một mình tôi buông rơi tiếng hát trong đêm lặng, bàn tay thiếu nữ nắn nót trên từng phím đàn như chỉ có tôi và lời hát thênh thang tan vào gió.

Tôi không biết vì cớ gì khi đêm về luôn có nhiều điều phải nhớ. Căn nhà cũ, những câu hát xưa bồng bềnh trôi trong đêm từ chiếc máy cassette nhỏ. Giọng hát ru tôi vào giấc ngủ có Khánh Ly đem cô đơn về phố tàn phai, có Lệ Thu ray rứt tiếc thương ngày cũ, có Thái Thanh tình tự hát lời quê hương. Tôi yêu những buổi tối lặng lẽ khi chỉ có tôi, một mình đối diện với chính mình. Hình như nỗi cô đơn đã được định hình từ những ngày xa xưa ấy mà tôi đã vô tình không hay biết. Chỉ có trăng mới hiểu được tình người trong đêm vắng, những nỗi lòng không tỏ được cùng ai.

Như đêm nay, bài hát Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm cho tôi thực sự rung động. Tiếng đàn piano vang trong đêm vắng, một đoạn intro dịu dàng, buồn bã nhưng đủ đầy đủ ấm để ôm cà ánh trăng vàng vào lồng ngực, để thấy nỗi buồn chạm đến tận đáy lòng của niềm cô đơn mà người nhạc sĩ muốn gửi gấm trong từng cung bậc. Tôi yêu hình ảnh gầy gò đơn độc của ông bên chiếc dương cầm, trong giây phút ấy dường như nhân gian bộn bề không thể chạm được vào nỗi cô đơn của riêng ông. Bàn tay tài hoa nâng lên từng phím phiêu linh của nắng, của gió, của nỗi buồn lắng đọng làm thành cung bậc tuyệt vời. Càng nghe càng bị cuốn vào thế giới của nội tâm, của trầm buồn, của cổ điển xa xưa.

Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa…

Có những kỷ niệm buồn vui cả một thời nhưng nay lại cạn kiệt lời thì thầm cho nhau. Có những người ra đi khi ngày vui vẫn còn rộn ràng pháo hoa, nụ hồng. Đôi khi cô đơn là một lựa chọn để không bị tổn thương, đôi khi cô đơn cũng là sự mệt mỏi lui bước ra khỏi cõi đời rộn rã để đi tìm cho mình sự quạnh hiu đơn lẻ nhưng bình yên như mảnh trăng khuyết trên bầu trời kia.

Đêm nay nghe Cô đơn để biết hạnh phúc chẳng bao giờ hoàn hảo như ánh trăng trên bầu trời khi khuyết khi tròn. Tiếng dương cầm của người nhạc sĩ tài hoa gieo vào lòng cảm xúc về một tình yêu dành cho bầu trời đầy sao, ánh trăng soi dịu dàng, giọt sương mai trên cành lá thắm… Lại thấy lòng ta bỗng rưng rưng một nỗi niềm của hoài niệm, của xa xưa của những ngày chỉ có mình ta ngồi đợi trăng lên. Buồn như ánh đèn lập loè từ những ô cửa nhà hàng xóm còn thao thức.

Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài…

Nguyên Tú My

Cô đơn

Nhạc sĩ: Nguyễn Ánh 9 – Ca sĩ: Trần Thu Hà

http://www.youtube.com/watch?v=Hc7NZp0NaAg&feature=related


Read Full Post »

Tranh: Nguyễn Quốc Doanh

Em nhé, chiều nay ta sẽ đợi
Dưới gốc me già có lũ chim ri
Chưa lập xuân sao dáng đã xuân thì
Ta nắn nót viết tên em vào lá

Em nhé, chiều nay đừng đi quá
Qua hàng chè, bò bía, me chua
Ta chờ em suốt cả buổi trưa
Để trộm ngắm môi ăn hàng lúng liếng

Em nhé, ta bảo lòng đừng tiếc
Khói thuốc bay ta thả mãi lên trời
Lỡ em qua khói có vướng vào môi
Ta sẽ nhận – kẻ tội đồ xin chết!

Em nhé, cứ phạt ta cái nguýt
Mắt lá răm sắc lẻm dao cau
Bổ đời ta ba, bẩy miếng trầu
Đem dâng lễ cho ngày dạm ngõ

Em nhé, trống tan trường vừa đổ
Nén trong tim tiếng đập thình thình
Em đi qua nhưng chẳng một mình
Điếu thuốc trên tay bỗng vô duyên lạ

Buồn ngơ ngẩn khói thuốc tan vào lá
Ta ngô nghê nên giấu mối tình si
Chiều tương tư lặng lẽ quay đi
Rồi từ đó, ta trở thành người lớn.

Nguyên Tú My
 

Read Full Post »

Older Posts »